SearchNews

Hà Nội và những cây cầu

09/08/2011 11:33

Hơn 60 năm qua, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều thay đổi. Song, thay đổi lớn lao nhất có lẽ là sự hiện diện của những cây cầu bắc qua sông Hồng.

Hơn 60 năm qua, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều thay đổi. Song, thay đổi lớn lao nhất có lẽ là sự hiện diện của những cây cầu bắc qua sông Hồng.

Đó là những cây cầu của niềm tin, của trí tuệ Việt Nam trên con đường đổi mới, nhất là vào dịp cả nước mừng xuân, đón tết và hướng tới ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long, thì ý nghĩa những cây cầu lịch sử ấy lại được tôn vinh ở mọi góc nhìn khác nhau.

Nói đến những chiếc cầu bắc ngang qua sông Hồng thì trước hết phải nói đến cầu Long Biên- cây cầu tròn một thế kỷ với những kết cấu thép điển hình, thời mà ông Ep-phen chiếm vị trí số một trên thế giới trong xây dựng khi Bê-tông chưa ra đời.

Cầu Long Biên tồn tại gần một thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm biến động của thành phố. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cầu Long Biên bị bom đạn làm đứt nhịp. Cầu phao Khuyến Lương lập tức được thay thế, cầu phao này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vậy mà khi dỡ đi nhiều người còn nuối tiếc không giữ lại một khúc đưa vào bảo tàng để mãi mãi không quên những tháng năm đạn bom gian khổ. Cầu Long Biên như một bảo tàng ngoài trời, một chứng tích, một lịch sử gắn liền với Hà Nội – Trung tâm Kinh tế, Chính trị, Văn hóa của cả nước!

Cách cầu Long Biên 11km về phía Bắc một cây cầu thứ hai là cầu Thăng Long – chứng tích sống động cho mối tình Xô – Việt. Vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, khi khánh thành cây cầu (lớn nhất nước) này, kinh tế còn chưa phát triển, lưu lượng xe cộ qua cầu còn thưa thớt, người ta thường gọi cầu Thăng Long là “cây cầu của thế kỷ 21”. Giờ đây, khi kinh tế đã có bước phát triển vượt bậc, các phương tiện giao thông bùng nổ, cây cầu như một người khổng lồ soi cái bóng “to xác” của mình xuống dòng sông Hồng bỗng nhiên trở thành quá tải.

Chung “cảnh ngộ” quá tải, ùn tắc giao thông với “người khổng lồ” Thăng Long là cầu Chương Dương – còn “bị” gọi là “ngón tay thừa” hiệu quả của cây cầu Xô – Việt (do tận dụng được phần lớn nguyên vật liệu thừa từ cầu Thăng Long để xây dựng nên). Ngay từ khi cây cầu “to xác” còn thưa thớt bóng người xe qua lại thì cây cầu Chương Dương đã luôn trong cảnh “nêm cối”. Không chỉ là một huyết mạch giao thông quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội, cây cầu này cũng có quyền tự hào vì mức đóng góp ngân sách không nhỏ (hàng tỷ đồng/tháng) thông qua việc thu phí.

Hà Nội có 3 cây cầu bắc qua sông Hồng nhưng trên thực tế vẫn chưa thể giảm tải cho thành phố. Đó là chưa kể đến việc hao tổn nhiên liệu (năng lượng) khi tam giác kinh tế phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã hình thành mà các xe phía Nam ra vẫn phải vòng lên Hà Nội, qua cầu rồi mới đến được những địa điểm nói trên.

Chưa có số liệu thống kê cho việc hao phí này nhưng khi cầu Yên Lệnh của tỉnh Hưng Yên được đưa vào sử dụng thì những xe không có nhu cầu đi qua Hà Nội, theo Quốc lộ số 1 đến Duy Tiên – Hà Nam đều rẽ theo Quốc lộ số 38 qua thị xã Hưng Yên, rồi nhập vào Quốc lộ số 39 gặp Quốc lộ số 5 ở Phố Nối (Hưng Yên)… hòa vào hai tỉnh còn lại trong tam giác kinh tế phía Bắc.

Cầu Yên Lệnh không những phá thế “ốc đảo” của Hưng Yên mà tiết kiệm cho mỗi lái xe hàng trăm km đường. Cũng chưa có một số liệu thống kê cụ thể nào về việc này nhưng thật sự đã giảm đáng kể giao thông của Hà Nội trong những năm đầu thập kỷ này.

Hà Nội trong sức phát triển của vài năm trở lại đây đặt ra nhiều vấn đề trong đó bức xúc nhất vẫn là giao thông – vận tải, cơ sở hạ tầng đóng vai trò quyết định trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Cuối năm ngoái, cầu Thanh Trì đã hoàn thành phần xây dựng cơ bản, được “hợp long” trong niềm vui sướng của nhân dân Thủ đô hướng tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là cây cầu được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á.

Trong tương lai, trên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa sẽ tiếp tục xuất hiện một cây cầu hiện đại nữa – cầu Nhật Tân. Đây là cây cầu đang được các cư dân của thành phố hai bên bờ sông Hồng mỏi mắt chờ mong. Tuy nhiên, từ nay đến khi dự án hoàn thành sẽ còn rất nhiều khó khăn phải trải qua, đặc biệt là khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng – một khó khăn nan giải và chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ kiện hiện nay.

Có thể nói, điểm nhấn trong nhịp điệu phát triển của Hà Nội thời gian qua chính là những cây cầu bắc qua sông Hồng. Những con đường, những dòng sông và những cây cầu từ xa xưa đã trở thành những thành viên quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia. Những cây cầu bắc qua sông Hồng không chỉ là một giá trị thuần túy vật chất với một nghĩa xác thực của khái niệm này.

Dưới một góc độ nào đó, “Những cây cầu bắc qua sông Hồng” có thể ví như những cây cầu bắc qua đói nghèo, lạc hậu và trì trệ. Phải chăng, đó là những cây cầu bắc vào tương lai trong thời đại hội nhập và phát triển. Những công trình lịch sử!

(Theo Nhà báo Công luận)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu