> Khởi công đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết một hiệp định vay vốn trị giá 293 triệu đô-la Mỹ cho dự án xây dựng một tuyến đường sắt đô thị (tuyến metro) nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội.
Hiệp định vay vốn được ký kết giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình và Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura.
Ông Kimura phát biểu: “Dự án đường sắt đô thị sẽ hỗ trợ những nỗ lực của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội trong việc giải quyết ùn tắc giao thông một cách hiệu quả hơn, giảm lượng phát thải khí nhà kính một cách căn bản hơn và đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững của thành phố.”
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 do ADB tài trợ có chiều dài 12,5 km, trong đó có 3,6 km đi ngầm và 8,9 km đường sắt trên cao cùng với các đoạn đổi tuyến. Tuyến số 3 sẽ đi từ Ga Hà Nội, ga đường sắt chính nằm ở trung tâm thành phố, qua Cầu Giấy và tới Nhổn. Khoản vay được ký kết ngày hôm nay sẽ đưa ADB vào danh sách các nhà tài trợ hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống giao thông đô thị của thành phố Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị này cũng nhận được sự tài trợ từ Chính phủ Pháp và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu. Đây là một phần của tuyến thứ nhất trong bốn tuyến đường sắt đô thị ưu tiên được quy hoạch trong khu vực nội thành Hà Nội. Dự kiến hoàn thành vào năm 2015, tuyến đường sắt đô thị này theo kế hoạch có khả năng vận chuyển ban đầu là 150.000 người mỗi ngày và tăng lên đến gần nửa triệu người vào năm 2030.
Tại Hà Nội, mỗi gia đình sở hữu từ ba đến bốn chiếc xe máy và nhiều người sử dụng xe máy tại Hà Nội đang chuyển sang sở hữu ô tô vì thu nhập của họ tăng lên. Xu hướng này cùng với việc dân số của thủ đô sẽ tăng từ 6 triệu lên 8 triệu người vào năm 2025 sẽ làm cho tình hình giao thông của thủ đô tiếp tục xấu đi và Hà Nội phải đối mặt với các vấn đề về giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn như nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và an toàn giao thông.
Nguyễn Khang