SearchNews

Hà Nội xử lý nhà siêu mỏng

18/08/2007 08:22

Hà Nội sẽ hợp thửa những mảnh đất nhỏ lẻ để xử lý tận gốc tình trạng nhà siêu mỏng. Tuy nhiên, với những con đường đã hoàn thiện, việc hợp thửa những mảnh đất nhỏ lẻ, méo mó cũng gặp nhiều khó khăn.

Hà Nội sẽ hợp thửa những mảnh đất nhỏ lẻ để xử lý tận gốc tình trạng nhà siêu mỏng. Tuy nhiên, với những con đường đã hoàn thiện, việc hợp thửa những mảnh đất nhỏ lẻ, méo mó cũng gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Trần Đức Học, dẫn chứng, quận này đã vận động, tuyên truyền nhiều tháng nay nhưng mới có 40% trong số 77 thửa đất nhỏ lẻ méo mó tại tuyến đường mới mở Kim Liên - Ô Chợ Dừa chịu hợp thửa, số còn lại chưa làm được vì các hộ dân chưa thống nhất được mức giá thỏa thuận hợp thửa.

Vấn đề nằm ở chính sách, không một Chủ tịch UBND quận nào dám đặt bút ký thu hồi những mảnh đất nhỏ lẻ, méo mó này, vì mỗi quyết định sẽ phải lập một dự án để thu hồi, mỗi con đường có đến vài chục mảnh đất nhỏ lẻ, không thể làm vài chục cái dự án để thu hồi được.

Bởi vậy ông Học đã đề nghị phương pháp mới để những mảnh đất này nằm trong dự án ngay từ đầu. Để làm được Sở Quy hoạch Kiến trúc phải đi tiên phong, khi lập quy hoạch chi tiết để làm dự án mở đường phải chỉ ra được những mảnh đất méo mó, nhỏ lẻ sau khi bị thu hồi để đưa luôn vào dự án. Sau đó thành phố sẽ thu hồi những mảnh đất này lại để bán lại cho những hộ dân muốn ra mặt đường, thu tiền về cho ngân sách.

Ông Đỗ Viết Chiến, phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng thực hiện thu hồi đất nhỏ lẻ vào dự án mở đường ngay từ đầu là việc khó thực hiện vì chỉ giới đường theo đường thẳng chứ không thể zig-zag theo từng căn hộ. Trước đây khi mở tuyến đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân mặc dù đã có quy hoạch tỷ lệ 1/500 nhằm sử dụng đất hai bên đường để xây dựng nhà cao tầng, nhưng sau đó lại để dân lấn chiếm, bê tông hóa hết các phần đất nhỏ lẻ.

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với biện pháp thu hồi những mảnh đất nhỏ, lẻ méo mó bằng cách đưa vào dự án mở đường ngay từ đầu, sau đó có phương án sử dụng hợp lý hoặc bán cho các hộ dân phía trong với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, thành phố phải tính đến việc quản lý các ô đất nhỏ lẻ có thể hình thành trước khi cắm mốc giới, thực hiện dự án. Bởi thực tế, sau khi có mốc giới thì người dân lập tức xây dựng; và khi mở đường thì nhà siêu mỏng, siêu méo đã hình thành.

Khuyến khích hợp khối

Về việc xử lý nhà siêu mỏng siêu méo một cách triệt để, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng, nhất định thành phố phải có một quy định khung để căn cứ vào đó mà xử lý.

Quy định này phải xử lý được toàn bộ nhà siêu mỏng, siêu méo cũng như mỹ quan đô thị trên các tuyến đường đã, đang và sắp thi công. Quy định này phải làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành như: trách nhiệm của thanh tra xây dựng, trách nhiệm của cấp phường, cấp quận... Quy định cũng phải thể hiện được các chế tài đối với các hộ dân vi phạm phải xử lý ra sao. Về việc soạn thảo quy định khung này, ông Khôi giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc làm đầu mối soạn thảo và sớm trình lên UBND thành phố.

Đối với việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại trên các tuyến đường vừa thi công, ông Khôi đề nghị các quận kiên quyết không cho xây dựng trên các mảnh đất nhỏ lẻ diện tích dưới 20 m2. Đồng thời phải đặt thời gian để các hộ dân thỏa thuận hợp khối, nếu các hộ dân không thỏa thuận được thì Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi, sử dụng vào mục đích công cộng.

Ông Khôi cũng yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất và các quận huyện phối hợp làm điểm trên một đến hai tuyến phố sắp mở. “Trước mắt, các quận huyện phải tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là việc xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến phố mới, không nên thụ động chờ có quy chế rồi mới tính đến việc giải quyết” - ông Khôi chỉ đạo.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu