SearchNews

Hạn chế nhập cư Hà Nội: Đừng để “một mình một chợ”

26/05/2012 21:04

Dự án Luật Thủ đô đang lấy ý kiến của người dân và sẽ trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6. Vấn đề nhiều người quan tâm là hạn chế nhập cư vào nội đô Thành phố. 

> Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc TP Đà Nẵng hạn chế nhập cư

> Đà Nẵng "thí điểm" đóng cửa với dân thất nghiệp


Dự án Luật Thủ đô đang lấy ý kiến của người dân và sẽ trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6. Vấn đề nhiều người quan tâm là hạn chế nhập cư vào nội đô Thành phố. Đã xuất hiện ý kiến quan ngại, Hà Nội đang đi vào "vết xe" của Đà Nẵng trong chuyện hạn chế nhập cư.

Điều kiện cao cho ai muốn làm "công dân Thủ đô"

Trao đổi với PV, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, sự phát triển của Thủ đô trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào kiểm soát dân số. Từ khi địa giới Hà Nội mở rộng đến nay, ý tưởng về bài toán nhập cư luôn được đặt ra, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay, Hà Nội ngày càng thu hút nhiều dân số từ ngoại tỉnh và các vùng khác nhau đến lập nghiệp, sinh sống.

KTS. Đào Ngọc Nghiêm

"Do đó, trong điều kiện đất chật người đông, mối quan hệ giữa Hà Nội với các đô thị xung quanh là điều kiện giảm dân số cho Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế, sự kiểm soát dân cư các vùng lân cận còn hạn chế, chưa có sự điều tiết dân số trong quan hệ vùng để giảm sức ép cho đô thị trung tâm", ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm phân tích, tốc độ tăng dân số khu vực trung tâm của Hà Nội bình quân cao hơn cả nước, tăng 4,7%/năm trong khi đó TP.Hồ Chí Minh chỉ tăng 4,3%/năm. Theo quy hoạch Thủ đô năm 1998, lúc đó nội đô có 96 vạn dân tại 4 quận gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Hà Nội đặt kế hoạch đến 2020 giảm dân số tại 4 quận này xuống 80 vạn dân. Tuy nhiên, do thiếu giải pháp cụ thể nên từ 1998 đến 2009 (hơn 10 năm), Hà Nội không giảm được dân số nội đô mà còn đẩy từ 96 vạn lên 1,2 triệu dân... "Rõ ràng, nội đô lịch sử đang chịu áp lực rất lớn về dân số và hạn chế tăng dân số cơ học là một giải pháp. Cần quản lý thật chặt chẽ dân số nhất là trong nội đô", ông Nghiêm nhận định.

Cũng theo quan điểm của KTS Đào Ngọc Nghiêm, phát triển Thủ đô không phải chỉ trong nội đô. Hà Nội phải đẩy nhanh phát triển các đô thị khu vực như vành đai 3, vành đai 4. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế giám sát đối với các khu vực này để đồng bộ. Cơ chế đặc thù chỉ áp dụng cho nội đô trung tâm, còn lại vẫn khuyến khích phát triển nhập cư.

Vì lẽ đó, dự án Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành chặt chẽ hơn so với quy định của Luật Cư trú hiện hành. Cụ thể, công dân có chỗ ở hợp pháp do thuê nhà của tổ chức, cá nhân thì phải là nhà của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh về nhà ở; nâng thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm.

Tránh "vết xe đổ", phải hài hoà lợi ích của dân

Thực tế, cho đến thời điểm này, quy định về hạn chế nhập cư vào nội đô vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, nếu để dự án Luật Thủ đô không bị phụ thuộc vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú, dự luật này nếu giao Chính phủ quy định điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành lại là làm khó Chính phủ. Vì trong điều kiện Luật Thủ đô có hiệu lực trước khi Luật Cư trú được sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ không thể ban hành một Nghị định quy định điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô trái với các quy định của Luật Cư trú.

Dự Luật Thủ đô quy định hạn chế nhập cư vào nội đô, khiến nhiều chuyên gia liên tưởng tới Nghị quyết số 23 của HĐND TP.Đà Nẵng đưa ra điều kiện hạn chế nhập khẩu ở nội đô và thực tế gây ra những "sóng gió" dư luận. Cho dù thành phố này cương quyết bảo vệ quan điểm rằng quy định như vậy không trái Luật Cư trú, không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật hiện hành và đúng thẩm quyền, nhưng Bộ Tư pháp, cụ thể là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), kiên quyết cho rằng Nghị quyết 23 không hợp Hiến và không hợp pháp, nhất là khi căn cứ vào qui định của Luật Cư trú hiện hành.

Hà Nội hạn chế nhập cư

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng đã "rút kinh nghiệm" trường hợp của Đà Nẵng nên khẳng định: Dự luật này muốn tồn tại phải đảm bảo không động chạm đến quyền cơ bản của công dân trên cơ sở rà soát lại các quy định pháp luật, bám sát pháp Luật Cư trú để sau này Luật Cư trú sửa đổi thì Luật Thủ đô vẫn phù hợp.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: "Luật Cư trú hiện nay rất thông thoáng và Luật Thủ đô không thể chỉ làm theo Luật Cư trú được. Phải thắt chặt chuyện này. Tuy vậy, pháp luật đã quy định, quyền tự do cư trú của công dân rất rõ ràng, bất khả xâm phạm. Vì vậy, mọi biện pháp nhằm hạn chế quyền cư trú của công dân được coi là vi phạm Hiến pháp, pháp luật".

Góp ý kiến về vấn đề này, không ít chuyên gia băn khoăn, Nếu cho nhập cư quá dễ dãi sẽ gây áp lực cho các đô thị, nhưng nếu quá thắt chặt thì không chỉ vi phạm các luật khác mà trên thực tế Hà Nội cũng không thể giải quyết được bài toán nhập cư.

Thực tế, hàng chục ngàn người từ các tỉnh đổ về Hà Nội kiếm sống, không cần hộ khẩu, không có nhà, chỉ cần thuê, sống tạm bợ... đã gây áp lực rất lớn cho Thủ đô về nhiều mặt. Liệu Hà Nội có cấm được không nếu chỉ thực hiện những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô.

Trước đây, chúng ta đã từng áp dụng các biện pháp hành chính khắt khe nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không hiệu quả mà còn phát sinh nhiều hệ lụy khác. Hơn nữa, quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di chuyển từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển.

Đây không chỉ là nhu cầu của những người di cư vào Thủ đô mà còn chính là nhu cầu cần được đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đó là những nhu cầu tất yếu mà không biện pháp quản lý hành chính nào có thể ngăn cản được. Nếu hạn chế tới mức tối đa sẽ bị coi là "biệt khu" hay "một mình một chợ"!?

Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Hà Nội Bùi Thị An cho rằng: "Không chỉ riêng nước ta mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đều có đặc thù riêng. Nhiều nước trên thế giới, Chính phủ cũng đưa ra giải pháp hạn chế chuyện nhập cư. Bản thân Thủ đô Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính đã phát triển ở mức rất lớn, mật độ dân số tăng cao, do đó nên lựa chọn biện pháp nào đó để Hà Nội phát triển một cách bình thường".


Lý lẽ "điển hình" của Hà Nội?

Một lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, trước đây quy định về nhập khẩu vào nội đô quá dễ nên một gia đình có tới 15-20 người đăng ký ở nhờ để rồi tách ra lập hộ khẩu thường trú. Người thuê nhà sau một thời gian cũng được xác nhận đăng ký hộ khẩu thường trú, chính vì thế trường học mầm non, tiểu học luôn trong tình trạng quá tải. 

Từ thực tế này, quy định để có hộ khẩu thường trú trong các quận nội thành Hà Nội sẽ chặt chẽ hơn. Nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất: "Phải phân rõ chính sách cho từng vùng, từng khu vực, chứ không thể đánh đồng. Hà Nội tuyệt đối không cấm nhập cư mà hạn chế riêng trong nội đô. Trong khu vực trung tâm thành phố, bình quân dân số hiện nay là 13.800 người/km2. Trong khi đó, cả nước là 2.500 người/km2. Do vậy, Hà Nội phải giảm còn 11.000 người/km2 mới đạt yêu cầu về hạ tầng. Hà Nội vẫn cần tăng dân số cơ học, nhưng tăng, giảm vào đâu thì nên trao quyền sắp xếp đó cho Hà Nội".

(Theo Nguoiduatin)



Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu