Bị trả đi trả lại hồ sơ nhà đất nhiều lần không phải là chuyện hiếm. Thậm chí có trường hợp, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải trả đi trả lại đến 5 lần. Và thực sự, quy trình thụ lý hồ sơ trong lĩnh vực nhà đất quá phức tạp.
Tại quận Bình Thạnh (TP HCM), quy trình hoàn thiện hồ sơ sẽ được tiến hành theo vô số khâu. Đầu tiên, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhận, kiểm tra hồ sơ (1 ngày), chuyển qua Tổ hành chính nhận hồ sơ và phân công cán bộ thụ lý (3 ngày), đến tay cán bộ thụ lý pháp lý (5 ngày) rà soát thủ tục, rồi chuyển lại cho Tổ hành chánh xem xét (2 ngày). Sau đó, hồ sơ lại được chuyển đến cán bộ thụ lý kỹ thuật (7 ngày) để xem xét các yếu tố kỹ thuật, rồi chuyển cho nhóm trưởng địa bàn thụ lý (4 ngày). Chưa dừng lại ở đó, hồ sơ lại được chuyển cho Tổ hành chánh phân loại, hồ sơ nào được giải quyết sẽ chuyển cho tổ cấp số nhà. Những hồ sơ không đạt yêu cầu hoặc phải bổ túc mới được xem xét để trình lãnh đạo phòng có ý kiến (4 ngày). Sau đó để lãnh đạo phòng phụ trách kiểm tra lại hồ sơ (6 ngày), hồ sơ lại được chuyển ra Tổ hành chính để tiếp nhận, phân loại cần bổ túc (2 ngày).
Sau nhiều công đoạn chuyển qua chuyển lại, hồ sơ đạt yêu cầu, sẽ được trình lãnh đạo quận ký (3 ngày). Lãnh đạo quận ký xong lại tiếp tục được chuyển cho tổ hành chính tách hồ sơ, ghi số (2 ngày). Chuyển cho văn phòng UBND quận đóng dấu (2 ngày). Hồ sơ hoàn thành, được chuyển trở ra bộ phận tiếp nhận và trả kết quả kiểm tra (1 ngày), trước khi trả giấy chứng nhận cho dân. Vì thế, khi một thành viên trong chuỗi hệ thống này bị gián đoạn công việc (họp, nghỉ phép, bệnh…) thì ngay lập tức hồ sơ sẽ bị ùn ứ, dẫn đến trễ hẹn.
Việc kiểm tra phiên bản vẽ của quận huyện cũng rất chậm do thiếu cán bộ có chuyên môn, cũng dẫn đến hồ sơ trễ hẹn. Quận 11 sơ kết 3 tháng việc cấp giấy hồng mới, có đến 100% bản vẽ bị trễ hạn khi thẩm định. Thực tế hiện nay, số lượng cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ đạt yêu cầu còn khá khiêm tốn. Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, Châu Minh Tỷ, chỉ tính riêng hai lĩnh vực xây dựng và nhà đất, nếu tính ngay từ đầu hồ sơ nhận vào thì chắc chẳng ai giải quyết đạt tỷ lệ quá 50%, thấp xa so với báo cáo 70%, 80%, 90% của nhiều nơi. Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Chính cũng cho rằng, nếu không đột phá vào khâu tiếp nhận hồ sơ, bao gồm cả bố trí cán bộ đủ điều kiện thì người dân vẫn còn vất vả nhiều.
Trong khi đó, theo quy định về một cửa, một cửa liên thông của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực thì “khi người dân, tổ chức đến nộp hồ sơ, cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm xem xét nếu hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo yêu quy định thì hướng dẫn cụ thể một lần, đầy đủ để cá nhân, tổ chức bổ sung, hoàn thành”. Nhưng thực tế tại các quận huyện, nếu triển khai đúng tinh thần của quy định thì khó tìm được chỗ nào có một người đạt được trình độ am tường nhiều lĩnh vực, phân biệt hồ sơ đạt hay không đạt để yêu cầu bổ sung. “Một cửa” chỉ có nghĩa là nộp đơn và lấy kết quả tại một chỗ, còn giải quyết thì vẫn do các nơi khác nhau làm theo chức năng quản lý của mình.
(Theo SGGP)