> TP HCM: “Đầu độc” kênh rạch theo chu kỳ
Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cho biết tình trạng ô nhiễm trên các sông, kênh rạch ở TP có cải thiện nhưng không đáng kể, trong đó một số chỉ tiêu ô nhiễm tiếp tục gia tăng một cách đáng lo ngại.
TP.HCM nằm trên khu vực hạ lưu của sông Sài Gòn và một số tuyến kênh nhánh. Vì vậy, nguồn nước trên các sông rạch này bị ô nhiễm không chỉ do các nguồn thải trên địa bàn chưa được kiểm soát, mà còn do nước thải từ nhiều khu công nghiệp (KCN) thuộc các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, Bình Dương đổ về.
Kênh thối
Những ngày cuối tháng 4/2012, PV đã đi thực tế về phía Tây của TP.HCM và nhận thấy dòng nước đen ngòm, cá chết, cỏ cây héo úa dọc kênh Giáp Ranh (giữa địa phận TP.HCM và tỉnh Long An). Lần theo dòng nước đen, phía bên bờ thuộc tỉnh Long An có KCN Đức Hòa 1 - còn gọi là KCN Hạnh Phúc (ngay chân cầu Tỉnh Lộ 9). “Hôm nay còn thấy nước đỡ hôi thối, chứ khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa rồi, nước từ KCN Đức Hòa 1 xả ra kênh đen ngòm, bốc mùi nồng nặc” - ông Nguyễn Trung Tâm, phó giám đốc Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh, chỉ tay xuống dòng kênh nói.
Ông Tâm cho biết so với KCN Đức Hòa 1, KCN Đức Hòa 2 (còn gọi KCN Xuyên Á) còn xả nước đen và hôi hơn. Ông Tâm dẫn chúng tôi men theo con đường đất đỏ dọc kênh để đến gần KCN Đức Hòa 2. Dù còn khoảng 100m nữa mới tới nhưng mùi hôi nồng nặc từ dưới lòng kênh đã xộc thẳng vào mũi. Những đám cỏ dưới lòng kênh vàng úa, héo quắt. Những đọt tràm trên bờ cũng xỉn một màu tai tái. Càng lại gần nơi cống xả của KCN Đức Hòa 2 thì cây cỏ chết càng nhiều. Từng trảng cỏ lớn gục đầu xuống dòng nước đen đặc trước họng cống KCN Đức Hòa 2. Phía gần bờ, cá chết phơi trắng bụng.
Trước đó, khoảng giữa tháng 2 các cán bộ thuộc Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh ghi nhận được hình ảnh dòng nước đỏ quạch từ họng cống của nhà máy xử lý nước thải của KCN Đức Hòa 2 đổ ra kênh Giáp Ranh.
Theo ông Đoàn Văn Hùng - trưởng phòng thủy nông Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, nước ô nhiễm từ kênh Giáp Ranh đổ ra sông An Hạ rồi về khu vực hệ thống kênh thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh và chảy ra sông Vàm Cỏ. Hướng còn lại đổ ra kênh Rạch Tra và hòa vào sông Sài Gòn. “Nguồn nước trên các kênh thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho trên 9.000ha đất nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt của người dân. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng thì đời sống người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Hùng nói.
Đổ về sông Sài Gòn
Không chỉ ở dọc kênh Giáp Ranh, nguồn nước trên các kênh T38, Thầy Cai, Ba Bò thuộc địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương cũng đang ô nhiễm trầm trọng.
Theo phản ánh của người dân, ngày 6/5 PV trở lại khu vực kênh T38 (giáp ranh TP.HCM và Tây Ninh) phát hiện dòng nước màu nâu đen sủi bọt và bốc mùi dưới kênh được xả ra từ miệng cống của Công ty TNHH Kim Thành (đóng tại ấp An Phú, xã An Thịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh).
Anh Nguyễn Văn Tí (ấp Bình Hạ Tây, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM), ở ngay cạnh kênh T38, bức xúc: “Từ ngày công ty này hoạt động, họ liên tục xả thải gây ô nhiễm dòng nước kênh T38. Khi con nước lớn hoặc trời đổ mưa công ty càng xả tợn, rất nặng mùi, nhức cả đầu. Nhiều người khi qua khu vực này phải bịt mũi chạy cho nhanh”.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Kim Thành chuyên ngành thuộc da và đã nhiều lần bị cơ quan chức năng phát hiện xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ngày 13/2, PV phát hiện dòng nước đỏ, sủi bọt từ họng cống của Công ty Kim Thành đổ thẳng xuống kênh T38. Nước ô nhiễm từ dòng kênh này chia làm hai nhánh chảy về sông Vàm Cỏ và chủ yếu ra kênh Thầy Cai. Kênh T38 và kênh Thầy Cai còn hứng chịu nguồn xả thải của các KCN Linh Trung 3 và Trảng Bàng (Tây Ninh). Nước từ kênh Thầy Cai cũng góp phần gây ô nhiễm cho dòng sông Sài Gòn.
Còn tại khu vực kênh Ba Bò thuộc địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương, theo người dân ở đây, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa chuyển biến nhiều. Tại đoạn kênh cắt ngang tỉnh lộ 43, nguồn nước đen ngòm, sủi bọt như nước xà phòng, mùi hôi vẫn chưa giảm nhiều.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM: “Chất lượng nước kênh Ba Bò có cải thiện so với năm 2010 nhưng không nhiều. Các chỉ tiêu đánh giá như BOD, COD, TSS vẫn còn vượt so với quy định. Riêng chỉ tiêu DO tăng 1,35-2,46 lần so với số liệu quan trắc chung của năm 2010. Ngoài ra, các chỉ tiêu vi sinh coliform và chất hoạt động bề mặt không được cải thiện mà còn tăng rất nhiều lần so với trước đây”.
Các nguồn gây ô nhiễm chính cho kênh Ba Bò từ phía Bình Dương đổ về gồm nước thải từ KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II; nước mưa và nước thải của khu dân cư khu phố Tân Long, khu dân cư Xóm Nghèo, khu tái định cư Sóng Thần, khu dân cư Đường Sắt, khu thương mại Sóng Thần; nguồn nước mưa, nước thải của một số khu phố thuộc P.Bình Hòa (thị xã Thuận An, Bình Dương).
Nguyên nhân chất lượng nước kênh Ba Bò chưa được cải thiện nhiều mà còn có dấu hiệu tăng ở một số chỉ số, theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, do nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư chưa được xử lý thải trực tiếp xuống lòng kênh. Dù các nguồn thải chủ yếu từ phía Bình Dương nhưng TP.HCM đã bỏ ra số vốn gần 745 tỉ đồng triển khai dự án cải tạo kênh Ba Bò, do dự án chưa xong nên chưa thể phát huy hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm.
Một cán bộ đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Bình Dương thừa nhận: “Hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp trong các KCN Sóng Thần I, Sóng Thần II chưa đấu nối hết nước thải sinh hoạt về nhà máy xử lý nước tập trung”.
Cũng theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Dương trong tháng 2 và 3/2012, chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý của KCN Sóng Thần II qua hai lần quan trắc đều có chỉ tiêu niken vượt quy chuẩn cho phép 1,52-1,54 lần. Chính điều này gây ô nhiễm cho nguồn nước kênh Ba Bò, sau đó đổ về đập nước của Quân đoàn 4 rồi chảy qua rạch Cầu Đất, vào rạch Vĩnh Bình và góp phần gây ô nhiễm nguồn nước trên sông Sài Gòn.
Nước sông Sài Gòn ngày càng tệ hơn
Kết quả quan trắc mới nhất trên sông Sài Gòn tại các trạm Bến Củi, Bến Súc, Thị Tính và Phú Cường cho thấy chỉ số coliform dao động 5.024-59.326 MPN/100ml, đều vượt tiêu chuẩn cho phép đối với tiêu chuẩn của Việt Nam (loại A1 - nguồn nước dùng cho sinh hoạt) từ 2-24 lần. Tương tự, 100% số liệu quan trắc tại các trạm về chỉ số oxy hòa tan (DO) đều không đạt quy chuẩn với mức dao động 3,65-6,30mg/lít, tăng so với những năm trước 1-1,2 lần.
Riêng về các chỉ số khác như nhu cầu oxy sinh học (BOD5), độ pH, nhu cầu oxy hóa học (COD)... đều đạt quy chuẩn Việt Nam cho phép đối với nguồn nước sinh hoạt. Nhìn chung các chỉ số này đều đang có dấu hiệu tăng hoặc giảm một cách đáng báo động - chứng tỏ nguồn nước sông Sài Gòn ngày càng bị ô nhiễm hơn.
|
(Theo TTO)