SearchNews

Khách nước ngoài hoảng hồn với giao thông Hà Nội

21/11/2011 13:58

Tình trạng giao thông tại Hà Nội luôn chứa đựng nhiều nguy hiểm, bất cập khiến du khách nước ngoài sợ hãi khi tham gia giao thông trên đường phố.

Tình trạng giao thông tại Hà Nội luôn chứa đựng nhiều nguy hiểm, bất cập khiến du khách nước ngoài sợ hãi khi tham gia giao thông trên đường phố.

Kinh hãi khi phải sang đường

Không phải đường phố nào ở thủ đô Hà Nội cũng có đèn tín hiệu và lối đi riêng cho người đi bộ sang đường. Theo quan sát của PV Dothi.net, đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) dài hơn 2, 5km mà chỉ có duy nhất 1 cầu cho người đi bộ. Muốn sang đường khách du lịch, người dân phải đi 1 chặng đường dài đến gần cổng trường Đại học Luật.

Trên đường Lê Duẩn, đoạn ngay trước sân ga, là nơi khách du lịch nước ngoài qua lại thường xuyên cũng không có vạch kẻ đường, cầu hay hầm cho người đi bộ sang đường. Mỗi khi sang đường khách du lịch vừa nhìn ngang nhìn dọc với khuôn mặt lo lắng, vừa đi rất chậm để tránh bị xe đụng. Bên cạnh đó có rất nhiều con đường như: Xuân Thủy, Phố Huế, Hòa Mã…cũng trong tình trạng trên.

Tại những đoạn đường có vạch sang đường dành cho người đi bộ cũng không hẳn đã an toàn. Tình trạng không chấp hành tín hiệu giao thông, không nhường đường cho người đi bộ, xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách cũng khiến khách nước ngoài “đau đầu” sợ hãi.

Ngoài ra, vào những lúc ùn tắc, mọi xe cộ phương tiện chen lấn nhau khiến đường phố trở thành cảnh hỗn loạn, xe đâm ngang, xe đi dọc cũng khiến người nước ngoài “lúng túng”, không biết phải đi như thế nào cho đúng, an toàn.

Nơm nớp sợ ẩu đả

Nhiều du khách đến Việt Nam truyền nhau rằng, nếu ra đường mà bị va chạm giao thông thì vì lý do an toàn, việc cần làm ngay là xin lỗi, bất kể bạn đúng hay sai, nếu không muốn bị “tóm cổ” và “ẩu đả”.

“Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới có hình ảnh mà không hiếm gặp lắm ở nước ta, đó là khi ra đường va chạm giao thông, nhất là với thanh niên. Nhiều khi không cần quan tâm tới người, phương tiện có bị làm sao không, ai phải, ai trái… mà đã sẵn sàng tóm cổ áo nhau và nếu lời qua tiếng lại một chút là có ẩu đả.” (Đại biểu Phạm Tất Thắng – ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nhận xét).

Ngay trên đường phố thủ đô Hà Nội hiện tượng này không phải hiếm. Nhiều nhóm thanh niên thường xuyên lạng lách, đánh võng, nhưng khi va quẹt vào người Việt Nam hay nước ngoài họ cũng không bao giờ xin lỗi. Sẵn sáng ẩu đả, lớn tiếng la hét là thái độ thường gặp của những nhóm thanh niên này trên đường phố. Hiện tượng này đã khiến khách nước ngoài khi đến Hà Nội lo sợ và nhanh chóng xin lỗi khi có bất cứ việc gì xảy ra. Và thường họ chấp nhận thua thiệt để được yên thân. Từ những hàng động thiếu ý thức này, đã khiến không ít khách du lịch ấn tượng không tốt về đất nước, con người Việt Nam.

Thường xuyên bị "chém" giá trên trời

Khách du lịch nước ngoài dù mua hàng hóa gì, đi đâu cũng bị “hét” giá trên trời. Đi lại trên đường phố bằng các phương tiện giao thông cũng không phải ngoại lệ. Thông thường, du khách nước ngoài lựa chọn phương tiện taxi để đi lại vì vừa tiện lợi, vừa an toàn lại có bảng tính giá tiền tự động. Tuy nhiên, hiện tượng “chặn” tiền vẫn phổ biến.

Vụ việc gần đây nhất là vào ngày 28/10/2011, hai khách mời của Đại hội đồng Cảnh sát hình sự thế giới (Interpol) đi taxi hơn 10km từ phố Phan Bội Châu (Hà Nội) về Trung tâm hội nghị quốc gia, bị tài xế bắt trả 200 USD, 100 đôla Singapore (gần 6 triệu đồng). Vụ việc này đã được cảnh sát giao thông Hà Nội nhanh chóng điều tra và xử phạt.

Tuy nhiên, không phải vụ việc nào cũng được điều tra và xử lý kịp thời. Khi được hỏi bạn Ni (du học sinh người Lào tại trường Đại học Luật) chia sẻ: Ở Hà Nội, Ni thường xuyên bị bắt chẹt, Ni không quen mặc cả vì ở Lào giá cả thường được niêm yết chính xác. Còn bạn Tuyết Phân (du học sinh Trung Quốc – học tại Đại học Quốc gia) thì phân trần: mặc dù với vốn từ tiếng Việt đủ dùng, bạn biết được giá cả nhưng cũng không làm cách nào để măc cả được. Tuyết Phân thường xuyên phải đi taxi tham quan Hà Nội với giá cao ngất ngưỡng.

Trước tình trạng này, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các phương tiện giao thông, làm thêm nhiều hầm, cầu đi bộ tại những điểm thường xuyên có người đi bộ sang đường như trên các tuyến phố cổ. Đồng thời kịp thời xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm để hình ảnh Hà Nội cũng như Việt Nam luôn đẹp trong mắt người nước ngoài.

T.H (tổng hợp)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu