Khó mua nhà dù lãi suất giữ mức 5% (ảnh minh họa)
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) ban hành.
Cụ thể, định kỳ vào tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm.
Mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay hỗ trợ nhà ở trong năm 2013 là 6% (quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013); năm 2014 giảm xuống 5% (quy định tại Quyết định 21/QĐ-NHNN ngày 02/01/2014 của Thống đốc NHNNVN); năm 2015 mức lãi suất vẫn được giữ là 5%/năm (quy định tại Quyết định số 2788/QĐ-NHNN ngày 29/12/2014 của Thống đốc NHNNVN).
Do đó, mức lãi suất 5%/năm quy định tại Quyết định số 2645/QĐ-NHNN ngày 30/12/2015 của Thống đốc NHNVN là mức lãi suất đã được duy trì liên tục trong năm 2014 và năm 2015 và thấp hơn 1%/năm so với mức lãi suất cho vay trong năm 2013.
Tuy nhiên theo đánh giá của ông Trần Anh Hùng, luật sư Bross & Partners: “Mức lãi suất 5%/năm vẫn tương đối cao so với mức thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam hiện nay”. Theo đó, trung bình mỗi hộ gia đình vay tiền mua nhà sẽ khá khó khăn khi trả nợ gốc và lãi hàng tháng.”
Vì vậy mức lãi suất này khó trở thành động lực để kích cầu cho thị trường BĐS năm 2016.
“Để có thế giúp những người thu nhập thấp có thể mua nhà và thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS một cách lành mạnh, minh bạch thì các gói hỗ trợ tài chính về nhà ở của Chính phủ phải duy trì mức lãi suất hợp lý, các nguồn vốn này phải đến được đúng đối tượng, người dân phải tiếp cận được dễ dàng và minh bạch. Bên cạnh đó, thị trường cũng phải có các sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng kinh tế của người dân”