Các tòa nhà cao tầng thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng hầu như chưa có tại Việt Nam. Và việc xây dựng một tòa nhà như vậy tại nước ta không phải dễ thực hiện.
Cao ốc xanh là những tòa nhà đạt chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm sự tỏa hơi do hiệu ứng nhà kính, bảo toàn nguồn nước, chống ô nhiễm tiếng ồn, nguồn nước, không khí, đất và ánh sáng... Hiệu quả của việc xây dựng những tòa nhà xanh là giúp làm giảm mức tiêu thụ điện do sử dụng năng lượng tự nhiên, nguồn nước tưới tiêu, giảm rác thải do quá trình tái chế và tái sử dụng cũng như các chất gây ô nhiễm (hạn chế được việc thải ra khí CO, CO2)… Từ đó giảm chi phí sử dụng cao ốc và tác động tiêu cực gây ô nhiễm, cũng như thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các quỹ đầu tư nghiêm túc, kéo dài vòng đời thương mại của các tòa nhà.
Tuy nhiên nhiều khách hàng than phiền là thị trường hiện có quá ít sự lựa chọn cho loại cao ốc đạt chuẩn về môi trường. Giới nhà thầu biện bạch, họ hoàn toàn có thể xây dựng những tòa nhà tiết kiệm năng lượng nhưng các chủ đầu tư không yêu cầu điều đó. Còn chủ đầu tư lại đưa ra lý lẽ, các đối tác góp vốn sẽ không đổ tiền cao ốc xanh vì tăng chi phí ban đầu.
Cao ốc xanh xa lạ với số đông
Tại đêm bất động sản lần thứ 9 do Hiệp hội bất động sản TP HCM tổ chức, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, ông Marc Towsend nhấn mạnh đến vai trò và hiệu quả của việc phát triển, xây dựng cao ốc xanh. Ông cho rằng, Việt Nam đã đến lúc phát triển cao ốc thân thiện môi trường. Trái với quan điểm của ông Marc, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng, phát triển cao ốc xanh là vấn đề nhạy cảm và khó thực hiện ngay, bởi lẽ đại bộ phận khách hàng chưa quan tâm.
Ông Vương Hữu Hùng, một doanh nhân trong mảng bất động sản nhận xét, thị trường nhà đất vẫn còn khát hàng hóa, dự án nào vừa mới công bố đều đã có người đổ xô đi mua, tòa nhà nào vừa khai trương cũng tranh nhau thuê. Vì thế, xây cao ốc xanh vẫn còn là khái niệm xa lạ.
Nguyên nhân, theo ông, giới kinh doanh chỉ chú trọng đến lợi nhuận trước mắt, còn khách hàng vì không có tầm nhìn hoặc không đủ khả năng tài chính cũng chưa quan tâm yếu tố thân thiện môi trường. Ông Hùng cho rằng, nhận thức trong đại đa số quần chúng về môi trường vẫn còn nhiều hạn chế.
"Doanh nghiệp nào mạnh dạn đi đầu xây cao ốc xanh nhất định sẽ thắng lớn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt lý tưởng này, cần có sự can thiệp của chính phủ bằng cách đưa vấn đề phát triển cao ốc xanh vào luật bảo vệ môi trường", ông Hùng nói.
Kiến trúc sư Châu Mỹ Anh, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP HCM đồng thời là Phó giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Kiến trúc miền Nam cho biết, cao ốc tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sống không còn mới mẻ trên thế giới. Ngay cả ở Việt Nam, Bộ khoa học công nghệ cũng đã từng đề cập đến vấn đề này.
Theo bà Anh, khó khăn hiện nay chính là kinh phí đầu tư trước mắt vào các cao ốc xanh này quá lớn. Chính vì bước đầu tốn kém nên doanh nghiệp trong nước còn dè dặt và chưa mạnh dạn đổ vốn vào. Song bà vẫn lạc quan cho rằng, nhiều tập đoàn bất động sản tại Việt Nam phần đông đến từ các quốc gia phát triển sẽ hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng cao ốc xanh.
"Với sự đồng thuận của chính phủ Việt Nam cũng như lời kêu gọi bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức trên thế giới, tôi tin rằng Việt Nam dần dần sẽ phát triển được cao ốc xanh vào khoảng năm 2010", bà Anh khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc khẳng định, muốn phát triển cao ốc thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng cần có tiền lệ, có người đi đầu khơi dậy thành một phong trào mạnh mẽ mới tạo sức lan tỏa sâu rộng, không phải chuyện ngày một ngày hai.
Tháng 9 năm nay, Hội đồng cao ốc xanh Mỹ đã công bố số công trình được cấp chứng chỉ LEED (chứng chỉ xếp hạng cho những công trình có thiết kế tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường) lên đến 6.000 đơn vị. Dự kiến con số này sẽ đạt 100.000 trong vòng 4 năm nữa.
Tại Australia, cao ốc Aurora ở Sydney đã áp dụng thành công mô hình cao ốc xanh với các tiêu chuẩn: vệ sinh sạch, nhiệt độ dễ chịu, phản ứng nhanh, thông gió và chất lượng không khí, chiếu sáng bằng nguồn sáng tự nhiên.
Ở TP HCM, hiện nay phong trào văn phòng xanh, tiết kiệm giấy, điện, nước và trồng cây xanh tại nơi làm việc đang được áp dụng trên nhiều tòa cao ốc. Các doanh nghiệp hưởng ứng chương trình này như ngân hàng HSBC, Tetra Pak, Coca Cola, Conforama... |
Vũ Lê