Tại cuộc họp giao ban mới nhất do UBND TP.Hà Nội tổ chức vừa qua, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong tương lai, nhu cầu mua sắm tại các siêu thị và Trung tâm thương mại (TTTM) sẽ trở thành thói quen của người dân thủ đô do sự phát triển nhanh về kinh tế dẫn tới mức sống của người dân được nâng lên. Nhằm đáp ứng nhu cầu tương lại ấy, TP tiến hành xây dựng thêm các siêu thị và TTTM.
Khoản chi phí xây dựng siêu thị, TTTM sẽ có sự “phối hợp và tương tác”
chứ không dựa hẳn vào nguồn tiền nhà nước.
Theo đó, trong đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến 2030 ở Hà Nội sẽ có khoảng 1.000 siêu thị, 64 TTTM lớn nhỏ.
Không chỉ vậy, nhằm huy động vốn đầu tư giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, Hà Nội sẽ có các mô hình chợ kết hợp TTTM. Nghĩa là, việc hình thành các TTTM, các siêu thị trong tương lai sẽ không dựa hẳn vào nguồn tiền nhà nước mà có sự “phối hợp và tương tác” giữa các đơn vị.
Bên cạnh đó, việc quỹ đất để xây dựng siêu thị, TTTM cũng không phải là mới hoàn toàn. Vì vậy, không gian Hà Nội sẽ không bị các siêu thị, các trung tâm mua sắm “che khuất” hoặc lấn chiếm.
Trước mắt, đề án xây dựng đưa ra có vẻ hợp lý và khả quan. Song để việc quy hoạch phát huy được hiệu quả thì rất cần phải xem xét kỹ lưỡng, cần có cái nhìn đa chiều hơn để tránh những sai lầm đáng tiếc, đặc biệt, là vấn đề thất thoát hay lãng phí nguồn kinh phí.