SearchNews

Khu công nghiệp hoang vắng

03/05/2011 08:59

Phát triển ồ ạt khu công nghiệp (KCN) nhưng lại bỏ hoang hoặc chỉ lấp đầy một phần nhỏ là tình trạng hiện đang gây lãng phí đất đai, khiến người dân bức xúc.

Phát triển ồ ạt khu công nghiệp (KCN) nhưng lại bỏ hoang hoặc chỉ lấp đầy một phần nhỏ là tình trạng hiện đang gây lãng phí đất đai, khiến người dân bức xúc.

Khu” nhiều, công nghiệp ít!

Tới nay, cả nước có 223 KCN, khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao, phân bố trên 56 tỉnh, thành, trong đó 171 KCN đã đi vào hoạt động; 52 KCN đang và sẽ xây dựng. Chỉ có 7 tỉnh không có KCN. Theo TS Võ Thanh Thu, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách thương mại quốc tế, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), tỷ lệ lấp đầy các KCN rất thấp, chỉ 46%; có tỉnh tỷ lệ bình quân chỉ 10%.

Ở vựa lúa ĐBSCL, theo VCCI chi nhánh Cần Thơ, toàn vùng đang có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 ha, nhưng chỉ cho thuê được hơn 810 ha, tỷ lệ khoảng 22%. Ngoài ra, các tỉnh còn lập 177 cụm công nghiệp với diện tích 15.457 ha và chỉ có 15 cụm được doanh nghiệp (DN) thuê 700 ha, tỷ lệ chỉ 4,5%. Vùng Cà Mau xa xôi, nơi nền đất rất yếu, nhiều khu, cụm công nghiệp cũng ồ ạt mọc lên; ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang..., đất KCN bị bỏ hoang cho cỏ mọc.

Yếu kém trong xúc tiến đầu tư

 

Thực tế nhiều KCN ở TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh... có tỷ lệ lấp đầy lên tới 95%. Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng BQL các KCN – KCX TPHCM, hạ tầng cơ sở tốt, lực lượng lao động tốt, dịch vụ tiện ích, điều kiện hạ tầng thuận lợi... là tiêu chí để thu hút được nhà đầu tư. “Sở dĩ các địa phương quy hoạch nhiều KCN nhưng tỷ lệ lấp đầy thấp là do, ngoài việc hạn chế các điều kiện kể trên, còn yếu kém trong xúc tiến đầu tư”, ông Hòa bình luận. “Về lâu dài, các KCN chưa sử dụng hết công suất này có cơ hội phát triển. Nhưng trước mắt nên quy hoạch cho việc khác. Chứ đừng dễ dãi trong kêu gọi đầu tư để nhanh chóng lấp đầy KCN rồi thả lỏng chuyện bảo vệ môi trường, cấp phép cho các DA lạc hậu về công nghệ...”, ông Hòa nói thêm.

Như vậy, ĐBSCL có tới 17.690/19.102 ha đất bị bỏ trống tại các khu, cụm công nghiệp, chiếm hơn 92,6%. Việc các KCN mọc lên như nấm, chiếm nhiều diện tích rồi bỏ không đang đe dọa an ninh lương thực, tác động xấu đến đời sống của dân, nhất là nông dân bị lấy đất làm KCN. Ở miền Trung, tỷ lệ lấp đầy cũng rất thấp, bình quân 30%. Hà Nội có 19 KCN với gần 8.000 ha nhưng chỉ 8 KCN hoạt động....

Ông Nguyễn Văn Tuấn, 54 tuổi, ở xã Sơn Mỹ, H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận than phiền: KCN Sơn Mỹ đã quy hoạch “hoành tráng” mấy năm nay nhưng không thấy nhà đầu tư nào vào triển khai. Nhà dân nằm trong quy hoạch không có đất sản xuất, trong khi đất lại bỏ hoang, thậm chí nhà cửa hư hỏng cũng không được sửa chữa. Chỉ mỗi xã Sơn Mỹ nhưng có đến hai KCN là Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II, tất cả đều đang “treo”.

Có hàng ngàn hộ dân rơi vào hoàn cảnh như ông Tuấn. Tỉnh Bình Thuận quy hoạch 8 KCN với quy mô 4.284 ha nhưng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2010, tỷ lệ sử dụng đất ở các KCN của tỉnh rất thấp, chỉ 16%. Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 14 KCN với diện tích 8.800 ha. Mặc dù có đủ điều kiện hạ tầng nhưng các KCN trên địa bàn chỉ mới lấp đầy hơn 24%. Ông Lê Minh Châu - Trưởng ban quản lý (BQL) các KCN tỉnh, cho biết ngoài diện tích đất chưa san lấp mặt bằng, giải tỏa xong thì còn hàng trăm héc-ta đất sạch đang chờ DN vào thuê đất. Đơn cử như KCN Tiến Hùng, KCN Mỹ Xuân, Mỹ Xuân A2, Phú Mỹ 1 và 2...

Nhiều KCN đã được cấp phép nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai xây dựng. Chẳng hạn, KCN Phú Mỹ 3 (H.Tân Thành) được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp từ năm 2008 với diện tích 1.000 ha nhưng vẫn chưa triển khai thi công, san lấp mặt bằng. Giải thích vấn đề này, lãnh đạo BQL các KCN tỉnh nhẩm tính, để san lấp 1.000 ha đất của KCN Phú Mỹ 3 sẽ tốn khoảng 4.000 tỉ đồng. Trong khi việc thu hút đầu tư vào KCN đang chững lại, DN tính khả năng thu hồi vốn rất khó nên hiện đang chần chừ.

Thu hồi?

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, thừa nhận thực trạng nhiều KCN được quy hoạch hoành tráng bị bỏ hoang và chưa xong KCN này đã làm thêm ngay KCN khác. “Nguyên nhân là do phát triển KCN ở ta được nhìn nhận quá lạc quan. Nhưng cũng không thể phủ nhận có ẩn chứa các lợi ích nhóm, khi muốn chuyển đất nông nghiệp sang đất xây dựng, mà trong đó có một số người được hưởng lợi”, TS Doanh phát biểu. Thêm nữa, hiện tượng bỏ trống KCN cũng xuất phát từ dự báo và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chặt chẽ. Không ít nhà đầu tư thiếu nghiêm túc, xin dự án (DA) và rồi xí chỗ mà không làm gì.

Chẳng hạn, DA nhà máy giấy rộng 210 ha ở cụm công nghiệp Phú Hữu A, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang được khởi công từ năm 2007, kế hoạch 2009 đi vào hoạt động và thông qua đó giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thế nhưng tới nay trên 210 ha đất đó chỉ có cây cỏ. Chính quyền địa phương thông báo thu hồi DA, nhưng làm sao tránh khỏi sự mất lòng tin của người dân đối với nhà quản lý vì họ đã dành đất cho nhà đầu tư?

TS Doanh cho rằng, đã đến lúc rà soát toàn bộ các KCN trong cả nước, đồng thời có chính sách thận trọng hơn và thực hiện có hiệu quả đối với phát triển KCN. Còn những KCN bỏ hoang hay trống một phần có thể xem xét giải quyết mạnh tay ở nhiều phương án. Thứ nhất là thu hồi để phát triển các DA dân sinh, như khu dân cư, bệnh viện, trường học… Thứ hai, trả đất lại cho nông dân để canh tác. Nhưng dù gì đi nữa, các phương án này cũng gây tốn kém, vì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn; đất bị bỏ hoang lâu ngày nên hoang hóa, cần thời gian và công sức để cải tạo. 

(Theo TNO

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu