Đầu tư Bất động sản ghi nhận ý kiến một số đại biểu xung quanh nội dung dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trước khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
“Sẽ tạo hứng khởi nhất định cho thị trường”
Đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội)
Luật Đất đai sửa đổi lần này được thông qua sẽ tạo nên cú huých nhất định cho thị trường bất động sản, không chỉ là sự đón nhận của người dân mà cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Luật lần này làm rõ hơn bản chất đất đai và cơ chế thu hồi, nhất là làm rõ hơn việc đền bù, bồi hoàn, quyền sử đụng đất, thu hồi, trưng dụng…
Đây là vấn đề người sử dụng, nhất là nhà đầu tư rất quan tâm. Với việc sửa Luật Đất đai đồng bộ với Hiến pháp sẽ thống nhất các quy định về đất đai, trong đó có đề cập cụ thể về cơ chế tài chính cho nhà đầu tư, quỹ đầu tư bất động sản, sẽ làm tăng niềm tin cho thị trường.
“Dự thảo sửa đổi đã cụ thể, chặt chẽ hơn”
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội)
Dự thảo luật lần này có khoảng 9 - 10 cụm vấn đề mà các đại biểu nêu ra đã được chỉnh sửa, tiếp thu và đảm bảo liên thông thống nhất với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Ví dụ như vấn đề quy hoạch, lập quy hoạch, công khai lấy ý kiến người dân, dự thảo đã quy định rất rõ. Hiện tại, có 4 cấp quy hoạch: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Dự thảo luật bỏ cấp xã, dù có ý kiến đề nghị giữ nguyên. Trên thực tế, xu hướng quản lý đất đai cần tập trung, tất nhiên khi cấp huyện làm quy hoạch sẽ phải lấy ý kiến cấp xã, ý kiến người dân. Theo tôi, việc chốt quy hoạch đến cập huyện theo hướng dồn lên là hợp lý, tránh buông lỏng quản lý như vừa qua.
Vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau trước đó là quy định thu hồi đất, bây giờ thống nhất thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết theo luật định vì lý do quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, dự án kinh tế - xã hội.
Một điểm mới, bổ sung vào Hiến pháp trường hợp trưng dụng đất, trước đây không có vì quan niệm đất là của toàn dân và Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Nhà nước đã là đại diện chủ sở hữu thì không cần trưng mua, trưng dụng cái của mình. Nhưng quyền sử dụng đất là quyền tài sản đặc biệt, do đó Nhà nước phải trưng dụng có bồi thường.
Khung giá thu hồi đất hiện do Chính phủ quy định tồn tại một năm, đã được sửa đổi lên mức 5 năm nếu không có biến động đột biến. Dựa vào đó, địa phương đưa ra mức giá cụ thể, những dự án không phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội công, sẽ định giá theo giá thị trường và không được thấp hơn bảng giá quy định.
Để việc định giá đảm bảo khách quan thì phải có tổ chức tư vấn, đánh giá độc lập. Đây là điểm mới, trước đây, cơ quan nhà nước vừa thu hồi, vừa định giá sẽ không khách quan. Ngoài ra, việc hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, từ dạy nghề, kiếm việc làm… cũng được quy định rõ. Về tái định cư, quy định rõ yêu cầu niêm yết công khai, trước khi dự án chuẩn bị triển khai thu hồi đất, phải có dự án tái định cư với thời gian, địa điểm, giá trị... cụ thể. Trong trường hợp nơi ở tái định cư giá cao hơn số tiền được đền bù thì Nhà nước phải bù để người dân có nhà ở.
Dự thảo lần này so với lần trước đã cụ thể hơn. Những nội dung trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai như Bộ, Sở Tài nguyên môi trường, văn phòng quản lý đất đai, hoạt động công chứng… đã được rà soát và chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với thực tế.
“Cần tăng thời hạn giao đất”
Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An)
Trong phạm vi Luật Đất đai hiện tại, có thể thấy một trong những bất cập là thời hạn giao đất, sử dụng đất nông nghiệp chỉ có 20 năm, trong khi đất ở là lâu dài, đất kinh doanh là 70 năm.
Điều này tác động đến quyền thừa kế của nông dân trồng cây lâu năm hoặc có các công trình thu hồi đất khi đã cận kề thời điểm 20 năm và tạo ra tâm lý bất an về sản xuất. Tôi đề nghị xem xét nâng định mức này lên thành lâu dài, hoặc chí ít là 50 năm như dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nguyên tắc của quá trình tái cơ cấu phải là đồng bộ với dự báo diễn biến các nguồn lực khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Theo đó, tôi đề nghị cần tập trung vào giải quyết vấn đề cơ bản nhất, đó là tăng cường hiệu quả sử dụng đất đai, trong đó có việc tạo điều kiện cho người dân yên tâm sở hữu, sản xuất như kéo dài thời gian giao đất nông nghiệp.
Theo ĐTCK