Từ ngày 9/1, sông Soài Rạp sau khi được nạo vét đã trở thành cửa ngõ mới cho tàu từ biển vào cụm cảng TP HCM, chia bớt lưu lượng tàu biển cho sông Lòng Tàu và tạo cơ hội phát triển cho khu đô thị cảng Hiệp Phước nằm ngay bên bờ Soài Rạp.
Trong buổi lễ đón tàu biển tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, hôm qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Doãn Thọ khẳng định, việc đưa luồng sông Soài Rạp vào hoạt động là một bước quan trọng cho tiến trình di dời các cảng biển trong nội đô TP HCM ra ngoài. "Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước chuyển mới trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP HCM nói riêng", ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Thọ cũng cho rằng, trước mắt luồng tuyến Soài Rạp có thể cho tàu có tải trọng 5.000 DWT đến 15.000 DWT ra vào. Do đó sự kiện thông luồng Soài Rạp có ý nghĩa rất lớn đến yêu cầu phát triển cảng nước sâu, cảng container ở TP HCM.
Việc nạo vét sông Soài Rạp vẫn đang thực hiện, để trong tương lai tàu tải trọng 30.000 DWT đến 50.000 DWT có thể ra vào cảng Hiệp Phước và cụm cảng TP HCM.
Luồng Soài Rạp có chiều dài gần 60 km, rộng 200 m. Lãnh đạo TP HCM kỳ vọng, sự khai thông luồng sông Soài Rạp sẽ hỗ trợ cụm cảng Hiệp Phước phát triển đồng thời với cảng Cái Mép - Thị Vải phía Vũng Tàu; tạo tiền đề thúc đẩy khu kinh tế trọng điểm phía Nam và hướng ra biển Đông.
Trong lễ thông luồng sông Soài Rạp, đại diện Tập đoàn DP World (tập đoàn cảng biển lớn thứ hai thế giới) cho biết, đầu năm 2009 sẽ đưa cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) có công suất 1,5 triệu tấn một năm vào hoạt động.
"Nhà Bè nước chảy chia hai", dòng sông Sài Gòn đổ ra biển đến huyện Nhà Bè giáp ranh Cần Giờ chia thành hai nhánh. Một nhánh là sông Lòng Tàu, hướng kia gọi sông Soài Rạp, cùng mở ra cửa biển Cần Giờ. Từ nhiều năm nay, sông Lòng Tàu sâu hơn nên trở thành tuyến chính cho tàu biển ra vào cảng Sài Gòn. Soài Rạp nông lòng sông nên hơn một năm nay được TP HCM tiến hành nạo vét.
Kiên Cường