Cả Hà Nội hiện có 45 dự án khu chung cư đang triển khai, gần 20 khu đã đi vào hoạt động. Xu hướng ở trong các tòa nhà cao tầng ngày càng phổ biến, song các hộ dân ở đây không có quyền lựa chọn dịch vụ điện thoại, Internet, truyền hình cáp... Họ buộc phải sử dụng của một nhà cung cấp.
Theo bà Thu Hòa sống tại Khu CT4 - Định Công, gia đình bà buộc phải dùng điện thoại cố định của bưu điện Hà Nội và Internet của Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) ngay cả khi giá cước cao hơn các công ty khác. Trong khi truyền hình cáp phổ biến khắp thành phố, thì dân khu chung cư Định Công không thể đăng ký lắp đặt.
Tại khu Trung Hoà - Nhân Chính, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ duy nhất cho 1.768 căn hộ. Tuy có đầy đủ các dịch vụ viễn thông cơ bản, song nếu Vietel chưa triển khai sản phẩm nào mới, người dân cũng chưa được hưởng. Bà Thanh Kim, chủ một hộ dân sống tại đây cho biết, gia đình bà có người thân ở nước ngoài nên bà thường xuyên vào mạng Internet. Bà muốn dùng ADSL song Vietel chưa có dịch vụ này, cả nhà đành phải dùng dial-up (quay số) vừa tốn kém vừa chậm.
Người dân thắc mắc thì đều được các Ban quản lý chung cư trả lời, doanh nghiệp nào muốn vào cung cấp dịch vụ phải có thỏa thuận hợp tác với chủ đầu tư từ khi xây dựng, còn hiện tại không thể "chen ngang".
Theo nhận xét của ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC, tiềm năng sử dụng dịch vụ viễn thông trong các khu chung cư rất lớn, vì hộ nào cũng có điện thoại và có nhu cầu sử dụng Internet. Nhận thấy thị trường rộng lớn này, khi dự án còn nằm trên giấy các công ty viễn thông đã ngấp nghé với chủ đầu tư để ký hợp đồng hợp tác.
"Chúng tôi phải cử người đi thám thính các dự án nhà đất ngay khi các cơ quan chức năng mới có ý tưởng. Thông thường khi có dự án như vậy ra đời, hầu hết các doanh nghiệp viễn thông đều muốn đặt quan hệ hợp tác. Để được chủ đầu tư lựa chọn, công ty cũng phải chi một khoản phí vận động", một vị lãnh đạo của Bưu điện Hà Nội tiết lộ. Theo ông này, mỗi công ty viễn thông thường có quan hệ chặt chẽ với một tổng công ty xây dựng để không lọt các dự án, chẳng hạn Bưu điện Hà Nội đã nhiều năm hợp tác ăn ý với Tổng công ty đầu tư và phát triển đô thị (HUD).
Cũng chính vì mối thâm tình đó, khi hợp tác không suôn sẻ, người dân chịu thiệt nhất. Trước đây, HUD thỏa thuận với Truyền hình cáp VN cung cấp dịch vụ cho khu Định Công, hãng truyền hình cáp Hà Nội dù rất muốn nhưng không chen vào được. Nay vài năm trôi qua, Truyền hình cáp VN chưa vươn tới, truyền hình cáp Hà Nội ngại thủ tục rắc rối, phiền hà cũng không mặn mà, khiến người dân muốn đăng ký lắp đặt cũng đành chịu.
Ông Đỗ Đăng Tá - Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ đô thị VN (đơn vị quản lý khu Trung Hoà - Nhân Chính), cho hay chủ đầu tư hoàn toàn có thể chấp nhận cho 2-3 công ty cùng tham gia, nhưng việc quản lý sẽ rất phức tạp vì mỗi nơi tính cước mỗi khác, chất lượng lại không đồng đều. "Nếu người dân thắc mắc khiếu nại, chúng tôi phải làm việc với vài công ty thay vì một như hiện nay", ông Tá giải thích. Ông cho biết thêm, người dân vẫn có thể thay đổi nhà cung cấp dịch vụ nếu hơn 60% số hộ sống chung một khu chung cư có ý kiến hoặc chất lượng của nhà cung cấp hiện tại quá tồi.
Theo một quan chức của Viettel, để được độc quyền cung cấp dịch vụ cho khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, họ vừa phải vận động hành lang chủ đầu tư, vừa phải xin phép thành phố và nhờ Bộ chủ quản "đánh tiếng" giúp. Để tạo mối quan hệ chặt chẽ, công ty ký luôn hợp đồng thuê ban quản lý chung cư thu tiền cước.
(Theo VnExpress)