Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện cơ sở pháp lý để chứng minh, xác định rõ quyền sở hữu chung, riêng và quyền sử dụng tại diện tích dành cho công cộng, kinh doanh dịch vụ, tầng hầm đang còn nhiều tranh luận.
Chính vì lý do này nên trong thực tế đã nảy sinh các vụ khiếu nại, tranh chấp ở một số khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố.
Việc quản lý sử dụng và vận hành nhà chung cư cao tầng là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp vì mô hình chung cư cao tầng phát triển đa dạng, đa mục đích sử dụng.
Cũng theo ông Tuấn, tại Luật Nhà ở, trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà chung cư được giao cho ban quản trị là tổ chức tự quản do các chủ sở hữu, người sử dụng bầu, không có tư cách pháp nhân, nhưng có trách nhiệm và quyền hạn rất lớn như ký kết hợp đồng, thu, quản lý kinh phí.
Cũng liên quan đến phí, kinh phí quản lý chung cư, thành phố đã có chủ trương rà soát tổng thể toàn thành phố để điều chỉnh một số khoản thu phí, lệ phí thực hiện trong thời gian qua có vướng mắc, trong đó bao gồm cả loại phí quản lý chung cư.
Ngoài những lĩnh vực trên, các ý kiến tại buổi hội thảo còn đề cập đến việc hoàn thiện, tăng cường đảm bảo điều kiện an toàn trong công tác quản lý sử dụng nhà chung cư, bởi phòng, chống cháy nổ tại các khu chung cư có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mô hình nhà chung cư, cũng như sự phát triển bền vững của đô thị.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
(Theo TTXVN/Vietnam+)