Quyết định số 64/2011/QĐ-UBND của UBND TP.HCM về ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân đang khiến dư luận “phát hoảng”.
Đã tắc càng tắc thêm
Thông tư số 93/2011/TT-BTC (ngày 29/6/2011) của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 117/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất đã gây ách tắc vô số hồ sơ chưa đóng tiền sử dụng đất vượt quá hạn mức trên địa bàn TP.HCM.
Sau gần nửa năm đợi chờ trong lo lắng, hôm 15/10, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 64/2011/QĐ-UBND về ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Tưởng chừng sau thời gian mỏi mòn đợi chờ ấy, các cơ quan chức năng và người dân sẽ được đón nhận một hướng dẫn thống nhất và hoàn chỉnh, nhằm tháo gỡ “mớ bòng bong” trước đó, ai ngờ quyết định này lại gây thêm không ít khó khăn cho cả cơ quan thực hiện lẫn người dân.
Theo Quyết định 64 thì: Đối với phần diện tích vượt hạn mức lớn hơn 50% hạn mức giao đất ở mới, giao UBND quận - huyện thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. Sau khi có chứng thư thẩm định giá, UBND quận - huyện tổ chức nghiệm thu chứng thư và có văn bản báo cáo Sở Tài chính thẩm định lại trình UBND thành phố xem xét, quyết định.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đối với đất đang sử dụng không phải là đất ở sang đất ở, thì đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở mới phải nộp tiền sử dụng đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường.
Một số chuyên gia cho rằng, việc xác định như thế nào là giá thị trường không hề đơn giản chút nào. Thực tế cho thấy giá cả đất đai là “vô biên” và tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đôi khi cũng một thửa đất, nhưng phía ngoài có giá khác, phía trong lại có giá khá, hay bên này có giá khác, bên kia có giá khác… Đặc biệt, tại TP.HCM đã xảy ra rất nhiều trường hợp cùng một mảnh đất nhưng khi thẩm định giá thì mỗi cơ quan đưa ra một kiểu giá khác nhau. Chính vì thế mà việc xác định giá đất thị trường là cả một vấn đề.
Chi nhiều hơn thu
Thứ hai là, trong khi Thông tư 93 của Bộ Tài chính chỉ yêu cầu thẩm định giá đối với các khu đất kinh doanh của tổ chức kinh tế có giá trị trên 15 tỉ đồng, thì với Quyết định 64 mới ban hành, TP.HCM lại quy định cho tất cả trường hợp đất ở nhỏ lẻ của hộ gia đình, khi vượt định mức dù là một vài mét vuông cũng phải làm theo đúng quy trình rườm rà này.
Việc thành phố giao cho UBND các quận- huyện thuê tổ chức có chức năng thẩm định, xác định giá đất để có chứng thư thẩm định giá báo cáo sở Tài chính xem xét, sau đó trình lên UBND thành phố xem xét, quyết định chắc chắn sẽ mất quá nhiều thời gian và đặc biệt sẽ thiếu khách quan, trung thực và thậm chí cả tiêu cực trong quá trình thẩm định giá.
Thực tế sau khi triển khai thực hiện quyết định này, các cơ quan thực hiện đều kêu khó và phức tạp vì nhiều lý do. Tại UBND quận Tân Phú có 105 hồ sơ vướng Thông tư 93, đó là chưa kể số hồ sơ ghi nợ tiền sử dụng đất. Sau khi có Quyết định 64 của thành phố, Chi cục Thuế quận này đã tiến hành xác định tiền sử dụng đất được 45 hồ sơ cho các đối tượng vượt không quá 50% quy định hạn mức giao đất ở. Còn đối với số còn lại, phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá, xác định thuế đất tính thu tiền sử dụng đất ở sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường và không thể biết được bao giờ mới xong.
Trao đổi với Pháp Luật Việt Nam, bà Lương Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết: “Cũng như bao quận, huyện khác, quận Tân Phú cũng gặp nhiều vấn đề khó khăn khi thực hiện Quyết định 64 vì thủ tục rườm rà, rất mất thời gian và cũng không biết chính xác bao nhiêu tháng mới cho ra được chứng thư.
Việc thuê các đơn vị thẩm định giá từng thửa đất khá tốn kém cho ngân sách nhà nước và rất khó để đảm bảo được tính khách quan vì như thế nào là sát giá thị trường, cơ sở pháp lý để xem xét giá thị trường ở đâu ra?. Khi áp dụng triển khai trên thực tế chắc chắn sẽ thiếu thống nhất và thiếu công bằng.
Đối với những hộ chỉ vượt một vài mét thì quả là quá khó để thu được tiền sử dụng đất của họ bởi chi phí để thuê lập chứng thư có khi còn tốn tiền hơn cả tiền sử dụng đất mà họ phải nộp. Quy định này làm cho việc giải quyết hồ sơ nhà đất đi từ ách tắc này sang ách tắc khác, các cơ quan chức năng làm khó người dân và tự làm khó mình, và gây chậm trễ”.
Bà Phượng cho biết thêm, hiện tại UBND quận Tân Phú còn 751 hồ sơ người dân chưa nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vì không có tiền để đóng thuế. Nay việc thu hệ số 2 so với giá đất quy định có thể gây tác dụng ngược, thuế quá cao so với người dân nên họ không có tiền nộp, Nhà nước không thu được nhiều thuế hơn mà công tác quản lý đất đai còn phức tạp hơn.
Không riêng bà Phó chủ tịch quận Tân Phú mà hầu như tất cả người dân, cán bộ khi trao đổi với phóng viên đều mong UBND TP.HCM xem xét và ban hành một quy định thống nhất với Thông tư 93 để triển khai thực hiện hiệu quả hơn.
(Theo Pháp Luật Việt Nam)