Sáng 10/2, đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đã có cuộc hội thảo mổ xẻ tìm ra nguyên nhân khiến hàng loạt xe bốc cháy trong thời gian gần đây
Trong buổi hội thảo, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề tìm ra nguyên nhân gây cháy nổ xe hàng loạt trong thời gian gần đây.
Methanol, Acetol là thủ phạm?
Phát biểu tại cuộc hội thảo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực (Đai học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, sau khi tiến hành khảo sát và tìm hiểu, nhóm nghiên cứu của Viện rút ra năm nguyên nhân chính gây cháy xe.
Trình bày trong cuộc hội thảo ông Tuấn cho rằng: “Nhiên liệu chứa các chất phụ gia không được kiểm soát hoặc dung môi như methanol… với tỷ lệ lớn dẫn tới ăn mòn, lão hóa nhanh các chi tiết làm kín (cao su, nhựa, polymer…) dẫn tới rò rỉ nhiên liệu, khả năng gây cháy cao hơn.
Từ nhiều nguyên nhân, như chất lượng xăng dầu, chất lượng phụ tùng, chế độ bảo trì và điều kiện bảo hành. Ông Tuấn khẳng định, đối với các vụ cháy xe ở Việt Nam xảy ra trong thời gian gần đây, ý kiến của ông nghiêng về các nguyên nhân từ hệ thống điện.
Tham dự hội thảo với tư cách là nạn nhân của một vụ cháy xe, chị Trịnh Thanh Hằng, giáo viên Trường tiểu học Thành Công A (Hà Nội) cho biết: “khoảng 3 giờ sáng ngày 26/12, khi tôi và cả gia đình đang say giấc thì nghe có tiếng hô hoán cháy xe. Cả nhà choàng tỉnh thì chiếc xe Yamaha Cygnus để ngoài sân đang bốc cháy ngùn ngụt. Trước đó khoảng 1 tuần, do đang chạy thì hết xăng nên tôi có đổ xăng. Tôi rất phân vân, không thể nào do chập điện gây cháy nổ vì xe dựng ngoài sân đã hơn 30 tiếng”.
Chị Giang Kim Vân, chủ nhân chiếc xe Air Blade bị cháy ngày 15/10 tại Hà Nội cũng đưa ra những dẫn chứng khiến việc phân tích nguyên nhân cháy xe càng thêm... rối bời: “Chiếc xe này gia đình tôi đã mua được 2 năm, thường xuyên bảo hành theo đúng chỉ định của nhà sản xuất. Tôi cũng không lắp thêm các bộ phận còi, đèn vào xe. Nếu nói chuyện chuột cắn dây gây chậm điện thì không thể vì nhà mới xây, không có chuột. Thậm chí, trước khi xe cháy 2 ngày tôi còn đưa đi kiểm tra phanh, không phát hiện có vấn đề gì. Nhưng bỗng dưng trong lúc chồng tôi trên đường đưa con đi học thì xe bốc cháy”.
Cũng tại buổi hội thảo PGS. TS Lê Cảnh Hòa, Trưởng tiểu ban kỹ thuật nhiên liêu bôi trơn, Hội tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng không thể nói nguyên nhân cháy xe máy và ô tô trong thời gian gần đây là do nhiên liệu.
Sau khi xảy ra các vụ cháy, Tổng cục trưởng và Tổng cục phó có đặt ra câu hỏi, vì sao trước kia không có xăng Ethanol có cháy đâu, bây giờ mới xảy ra cháy. Tôi cho biết, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Mà qua các tham luận chúng ta cũng thấy tình trạng cháy xe không chỉ có ở Việt Nam, mà ở Mỹ hay các nước khác cũng có”.
Theo ông Hòa thì mỗi ngày, một cửa hàng xăng đầu có tới hàng trăm lượt người tới đổ xăng, vậy nếu nói nguyên nhân cháy nổ xe là do xăng thì không thể lý giải được vì sao xe máy lại chỉ bốc cháy ở một vài trường hợp ngẫu nhiên.
Ý kiến của ông Hòa dường như có được căn cứ vững chắc khi báo cáo kết quả kiểm tra một số mẫu xăng dầu trên toàn quốc của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho thấy, hầu như không mẫu xăng nào bị nghi vấn có thể gây cháy nổ dù đại đa số các mẫu xăng ở khu vực phía Nam không đạt tiêu chuẩn.
Nhiên liệu là nguyên nhân cháy xe?
Trái với ý kiến của ông Hoà, PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng, Trung tâm tư vấn giám định dân sự cho rằng: Theo ông được biết, và cũng qua xác định thì nguyên nhân cháy xe là vấn đề nhiên liệu. Bởi theo ông Hùng, các chất phụ gia như aceton, methanol, thậm chí là cả ethenol đều có tác dụng làm tăng thẩm thấu qua chất dẻo, gây ăn mòn kim loại, đặc biệt tại các bộ phận tiếp xúc giữa dây dẫn với các bộ phận động cơ.
Cũng theo ông Hùng: Methanol là chất phản ứng mạnh, dễ cháy. Nó hòa tan tốt trong xăng. Việc rò rỉ do ống nhiên liệu, gioăng cao su nhiên liệu như đồng, kẽm, nhôm… bị ăn mòn khi nồng độ metanol đạt 15% trở lên.
Tuy nhiên, dưới góc độ nhà quản lý TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hoá học Hà Nội cho rằng, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ nhiên liệu. Mặc dù vậy chúng ta chưa thể kết luận được xăng dầu là nguyên nhân gây ra những vụ cháy xe hàng loạt như vậy. Chúng ta cần phải nghiên cứu và có những kết luận cụ thể từ cơ quan hữu quan.
Trong hội thảo rất nhiều chuyên gia đã cho rằng, việc quản lý xăng dầu cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa, cần quy định chủ xăng dầu đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu xăng không đảm bảo chất lượng đồng thời nâng chế tài mạnh hơn.
(Theo GDVN)