SearchNews

Nhà cổ TP.HCM đang “ kêu cứu”

11/06/2009 06:43

Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu thì nhà cổ Sài Gòn đang có nguy cơ bị “biến mất”.

Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu thì nhà cổ Sài Gòn đang có nguy cơ bị “biến mất”.

Tính trên toàn TP. HCM hiện nay, chỉ có khu vực Q.5 mới có khu phố cổ, nhà cổ liền kề. Những khu phố cổ, nhà cổ này có kiến trúc không giống như phố cổ, nhà cổ ở Hội An, Hà Nội mà mang đậm nét văn hóa của người Hoa. Hầu hết chúng được xây dựng theo kiến trúc từ đầu thế kỷ 20. Đường phố tập trung nhiều nhà cổ nhất là đường Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Nguyễn Án, Lương Nhữ Học. Nhưng theo quan sát của baoxaydung.vn, những ngôi nhà này hiện chỉ còn giữ được dáng cổ kính bên ngoài.

Chị Thu Nhàn, chủ sở hữu một căn nhà cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông cho biết: “ Do nhìn tổng thể bên ngoài mà mọi người gọi là nhà cổ, chứ bên trong thứ gì cũng được thay đổi, đồ cổ trong nhà cũng chẳng còn cái nào. Nhà này được xây dựng cả trăm năm nay nên đồ đạc mục rỗng hết nên chúng tôi phải thay đồ mới. Mấy hộ gần nhà tôi cũng sửa chữa khác xưa hết cả ”.

Giải thích cho sự đổi thay của nhà cổ, phố cổ nơi đây, Anh Đào Hữu Phước, Phó trưởng Phòng VHTT Quận 5 cho hay: “ Tính đến thời điểm này toàn quận chỉ có nhà 292 Hải Thượng Lãn Ông được xếp vào danh sách nhà cổ cần bảo tồn của TP. Còn những căn nhà khác dù nhìn bên ngoài vẫn mang đậm dáng dấp kiến trúc cổ xưa nhưng do bên trong không còn đồ cổ nên đành phải để dân sửa chữa nhà của họ. Ngoài ra, quận có phối hợp với Sở VH-TDTT TP để nghiên cứu, thẩm định nhà cổ trên địa bàn quận để cùng giữ gìn những dãy nhà cổ còn sót lại. Nhưng do tâm lý sợ xếp vào nhà cổ sẽ mất nhà mà nhiều hộ dân không chịu nhận nhà mình là nhà cổ, do nhà được mua đi bán lại nhiều lần, mỗi người đến là một lần sửa chữa nên những giá trị kiến trúc cổ xưa cứ thế mà mất đi. Vì vậy, số lượng nhà để xem xét đưa vào danh sách nhà cổ cần bảo tồn trên địa bàn của quận hiện nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Những người dân sống lâu năm gần khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông và Triệu Quang Phục cho biết, khu vực này giờ chỉ còn sót lại một khối nhà cổ liên tiếp trên đường Hải Thượng Lãn Ông ( từ số nhà 41 đến 67). Những căn nhà này mới được nhà nước phục dựng nên vẫn còn giữ được tổng thể tương đối nguyên dạng. Khối nhà cổ này gồm những căn nhà một trệt hai lầu khá đồ sộ. Một trong những nét đặc trưng của nhà cổ là “mặt dựng” ở đầu diềm mái nhà, được trang trí theo nhiều mô típ khác nhau. Riêng “ mặt dựng” nơi đầu mái của khối nhà này có hình long mã độ hà đồ- biểu tượng của điềm lành, thái bình an lạc. Nhưng hiện nay rất nhiều nhà cổ khác đã xuống cấp trầm trọng, liệu vài năm nữa có còn giữ được kiến

Rời những căn nhà cổ ở quận 5, chúng tôi tìm đến những căn nhà cổ nằm rải rác ở khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9. Theo con đường đất đá ngấm nước mưa lênh láng, qua nhiều khu vực cây cối um tùm, hỏi thăm mãi chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Minh Chính, người quản lý ngôi nhà cổ nhất khu vực quận 9 này.

Theo lời kể của ông chính thì căn nhà cổ của gia đình ông có từ thời Tự Đức, nó được xây dựng vào năm 1883 với tổng diện tích hơn 400m2, nhà có ba gian, hai trái. Khi ông cụ cố của ông Chính xây xong ngôi nhà này, ông cụ còn phát tiền cho dân nghèo mở rộng làng xóm, rồi xây lên cái đình Tăng Phú bây giờ. Ngoài ra, trong hai cuộc kháng chiến, đây cũng là nơi đã nuôi giấu nhiều chiến sỹ cách mạng. Nhưng đang trò chuyện với anh Chính, chợt chị Nguyễn Thị Kim Chi, đồng chủ sở hữu căn nhà bức xúc chen ngang: Nhà này nằm trong diện giải tỏa nên mấy tháng nay để nhà không bị tháo dỡ chúng tôi đã phải chạy vạy khắp nơi tìm cách “cứu” nhà cổ mà vẫn chưa được. Nên chẳng còn tâm trí đâu mà sửa chữa, gian nhà bếp xuống cấp trầm trọng tôi định định tu bổ lại nhưng giờ mà tu bổ mai kia người ta dỡ cũng phí công phí của nên đành để mặc ngoài nắng mưa vậy.

Chị Kim Chi cho biết thêm: “ Dù rất muốn gìn giữ những gì còn lại của tổ tiên nhưng do giấy tờ hợp lệ không có nên chúng tôi chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Tưởng hết hy vọng nào ngờ, vừa rồi đoàn khảo sát về nhà cổ của trung tâm bảo tồn về đây nói: Đây là di tích lịch sử cần phải thường xuyên kiểm tra, có biện pháp bảo vệ và giữ gìn tốt.Chờ mãi không thấy giấy chứng nhận di tích lịch sử nhà cổ thì lại nhận được giấy thỏa thuận đền bù giải tỏa. Nếu nhà nước cho chúng tôi giữ căn nhà này chúng tôi sẵn sàng và đảm bảo có đủ điều kiện phục dựng tu bổ lại nguyên dạng nhà cổ”.

Hiện sân sau nhà ông Nguyễn Minh Chính có cho một hộ sửa chữa ghe tàu thuê lại. Bụi từ xưởng ghe tàu này phủ lên một lớp dày đặc lên hoành phi, tràng kỷ…Nền nhà bằng gạch mộc cũng bị vỡ toác, nằm ngổn ngang. Gian nhà sau thì sợ bị sập mà chủ nhà đã dỡ hết ngói chì còn chơ vài đòn tay nằm chỏng ngọng vắt ngang dọc trên khung nhà.

Đa số những nhà nghiên cứu đều cho rằng tìm được nhà cổ đã khó nhưng giữ được nhà cổ thì lại càng khó hơn.Ông Đào Văn Chương, Phó Giám đốc Trung Tâm Bảo Tồn di tích TP.HCM cho hay: “ Ngôi nhà của ông Nguyễn Minh Chính là một trong hai ngôi nhà cổ nhất có đủ điều kiện xếp hạng di tích lịch sử nhưng do nằm trong khu vực giải tỏa nên chúng tôi không thể xếp hạng. Ngôi nhà này là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc nhà rường còn sót lại hiện nay. ”.

Ông Phạm Mỹ Hữu, Giám đốc trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM cho rằng: “ Năm nào trung tâm cũng cử người đi khảo sát điều tra về nhà cổ để hỗ trợ người dân giữ gìn những giá trị văn hóa chung cho cộng động sau này nhưng chỉ có một vài hộ tự nguyện xin được xếp hạng vì bị dính vào quy hoạch còn các hộ khác thì không mặn mà.Những ngôi nhà cổ này thuộc sở hữu của cá nhân nên rất khó xếp hạng. Nếu nhà nước muốn bảo quản nhưng tư nhân không chịu thì cũng đành bó tay vì hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cách giải quyết vướng mắc này. Nhưng nếu chúng ta mà để mất đi văn hóa nhà cổ là chúng ta có tội với tổ tiên.

(Theo Xây Dựng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu