Trên thế giới, các chương trình xây dựng nhà cho người thu nhập thấp đã được thực hiện từ hơn 60 năm nay. Từ các nước có nền kinh tế phát triển cao ở châu Âu đến những nền kinh tế mới nổi ở châu Á, các dự án nhà ở xã hội đã đem đến phúc lợi cho hàng trăm triệu người dân tại nhiều nước.
Hình mẫu Thụy Điển
“Chương trình Một triệu” (Theo tiếng Thụy Điển Miljonprogrammet) là tên gọi chung cho chương trình xây dựng nhà ở thực hiện trong vòng 10 năm do Đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển thuộc cánh tả đề xướng với mục tiêu “Toàn dân phải được cung cấp căn hộ tốt với giá thành hợp lý”.
Được thực hiện kèm với chiến dịch xoá bỏ các khu tạm cư, nhà ở xuống cấp trên toàn đất nước Thụy Điển, chương trình này đã rất thành công. Trong khoảng thời gian từ 1965-1975, Thụy Điển đã xây dựng được 1 triệu căn hộ, chiếm gần 1/3 số nhà ở hiện nay. Các căn hộ tiêu chuẩn 3 phòng được thiết kế có diện tích tối thiểu 75m2, dành cho một gia đình gồm bố mẹ và 2 con. Điều đáng nói là cơ sở hạ tầng như: nhà trẻ, bệnh viện, công viên, thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại kèm theo của các căn hộ này cũng được xây dựng đồng bộ. Quỹ nhà ở của Thụy Điển đã đáp ứng đủ nhu cầu của toàn bộ người dân nước này vào thời điểm đó. Đặc biệt từ năm 2001, Thụy Điển bắt đầu đẩy mạnh việc xây dựng các căn hộ, nhà ở xã hội chất lượng cao.
Kinh nghiệm Singapore
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của Cơ quan Nhà ở và Phát triển (Housing & Development Board - HDB) thuộc Bộ Phát triển Quốc gia. HDB thành lập năm 1960 và được giao nhiệm vụ giải quyết khủng hoảng nhà ở trên toàn Singapore, giai đoạn bắt đầu xây dựng nền kinh tế. Việc thành lập HDB xuất phát từ ý tưởng phải có một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về nhà ở chất lượng với giá phải chăng giúp phân bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả hơn. Điều này khiến HDB có khả năng đảm bảo quỹ đất, nguyên vật liệu và nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng quy mô lớn nhằm tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm chi phí.
Từ quy hoạch, thiết kế cho đến thu hồi đất và xây dựng, thông qua phân phối, quản lý, bảo trì, các nhiệm vụ liên quan đến nhà ở nằm trong một tổng thể. HDB cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ dưới hình thức cam kết chính trị, tài chính và pháp lý. Đến năm 2005, Chương trình Thiết kế, xây dựng và bán (Design, Build & Sell Scheme - DBSS) cho phép khu vực tư nhân tham gia phát triển nhà ở chất lượng với giá phải chăng mang đến nhiều đổi mới về xây dựng, thiết kế và chọn lựa nhà ở.
Hiện tại, khoảng 84% người dân Singapore sống trong các căn hộ do HDB xây dựng so với con số 9% vào năm 1960. Kết quả này xuất phát từ chiến lược đúng đắn để giải quyết vấn đề có thể nói là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Giải pháp Hàn Quốc
Do đặc thù của quá trình phát triển kinh tế, giá nhà đất ở Hàn Quốc rất cao. Tỉ lệ người sở hữu nhà riêng rất thấp nhưng nhờ chính phủ có một chính sách nhà ở xã hội tốt nên người có thu nhập thấp vẫn có thể tiếp cận được với vấn đề nhà ở.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Hàn Quốc, hiện có 40% dân số nước này thuê nhà để ở. Nếu tính riêng đối tượng là người thu nhập thấp thì tỉ lệ người thuê nhà còn cao hơn. Quỹ nhà ở có tính chất nhà ở xã hội ở Hàn Quốc thường được phát triển dưới 2 dạng: doanh nghiệp phát triển các dự án để cho thuê hoặc xây nhà cho chính phủ thuê, sau đó chính phủ cho người dân thuê lại. Các doanh nghiệp chính phủ hỗ trợ về đất, tài chính, cơ sở pháp lý.
Chính sách nhà ở xã hội ở Hàn Quốc được chuyên biệt hóa đến từng loại đối tượng, chẳng hạn như nhà ở cho người cao tuổi, người tàn tật. Giá cho thuê không có một mức cố định, số tiền thuê nhà người dân phải trả phụ thuộc vào thu nhập.
(Theo ANTĐ)