Liên quan tới vụ sập nhà 5 tầng tại số 49 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa), được biết, chủ sử dụng đã tự ý sửa chữa, nâng cấp, cải tạo không xin phép. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng của quận đã vào cuộc xử lý.
Nhà xây đã hơn 20 năm
Chiều 1-4, ông Phan Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng của quận đã vào cuộc xử lý. Theo ông Phan Hồng Việt, chủ sở hữu ngôi nhà bị sập là ông Lê Khắc Mạnh, có khả năng đang ở nước ngoài (Đức), người thuê nhà cũng không có ở Hà Nội và hiện chỉ có mặt đại diện là người quản lý tòa nhà. Trước khi bị sập, tòa nhà cao 5 tầng, kết cấu hỗn hợp khung bê tông cốt thép và tường gạch chịu lực, được xây dựng vào khoảng năm 1990, tức cách đây hơn 20 năm.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa nói: “May mắn là khi thấy hiện tượng nhà bị rung và biến dạng, người dân xung quanh đã chủ động di dời nên không có thiệt hại về người”. Về phương án khắc phục sự cố, ông Phan Hồng Việt cho biết, các cơ quan chức năng đã cử người bảo vệ hiện trường tổ chức di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời cho cắt điện của các công trình lân cận, tiến hành căng dây, đặt biển để cảnh báo cho người dân tại khu vực xung quanh tòa nhà sơ tán ra khỏi phạm vi nguy hiểm.
Trao đổi với phóng viên trưa 1-4, Chánh Thanh tra xây dựng quận Đống Đa, ông Trần Khắc Hạ cho biết, việc dọn dẹp hiện trường vẫn đang được tiếp tục. Tuy vậy, hiện nay, yêu cầu quan trọng hơn là phải tìm biện pháp gia cố lại, đảm bảo sự an toàn cho khu nhà tập thể Liên đoàn Trắc địa địa hình cũng cao 5 tầng - ở liền kề (số nhà 51). Do bị tòa nhà số 49 đổ vào, khu nhà tập thể đã bị sập phần lô gia và tường biên giáp với ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng. Đồng thời, tòa nhà đổ cũng làm sập một nhà 1 tầng mái tôn phía sau, gây một số thiệt hại về tài sản.
Ông Trần Khắc Hạ phân tích: “Do bị va đập rất mạnh, cột chịu lực của tòa nhà tập thể 5 tầng có dấu hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể gãy, đe dọa sự an toàn của toàn bộ tòa nhà nên cần phải gia cố lại...”.
Liên quan tới “hồ sơ lý lịch” của ngôi nhà bị sập, ông Trần Khắc Hạ phủ nhận thông tin chủ nhà vừa xây dựng thêm 2 tầng nhà: “Giấy tờ nhà họ có đầy đủ. Theo thông tin tôi nắm được, nguyên thủy tòa nhà đã là 5 tầng, không có cơi nới hay “chất” thêm tầng nào thời gian gần đây. Vừa rồi, họ có sửa chữa, cải tạo nội thất bên trong, trang trí bên ngoài và không xin phép UBND quận Đống Đa...”. Về thiệt hại vật chất của các công trình lân cận do sự cố sập nhà, Chánh Thanh tra xây dựng quận Đống Đa nói, “chưa thể xác định ở thời điểm hiện tại, còn phải chờ kiểm tra, làm rõ...”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan tới sự cố, đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, theo phân cấp, việc quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thuộc về TP Hà Nội. Tuy vậy, với sự cố hy hữu này, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội để làm rõ nguyên nhân sự cố sập nhà.
Về vấn đề này, ngày 1-4, ông Đào Xuân Thông - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội và các bộ phận chuyên môn đã có mặt tại hiện trường để phối hợp, hướng dẫn tổ chức thực hiện, giải quyết sự cố. Theo quy định hiện hành, công trình đang trong quá trình thi công thì do chủ đầu tư chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự cố. Công trình đã được đưa vào sử dụng thì chủ sử dụng phải chịu trách nhiệm. Đối với nhà ở riêng lẻ, chủ nhà mang cả hai “vai” trên. Trong trường hợp nhà đã cho thuê thì người thuê nhà phải chịu trách nhiệm khi sửa chữa làm ảnh hưởng đến kết cấu, gây sự cố.
Ông Đào Xuân Thông khẳng định, không có chuyện chỉ sửa chữa, cải tạo bên trong công trình thì không phải xin phép. Theo quy định, khi người dân sửa chữa nhà ở mà có tác động đến kết cấu công trình, sẽ phải xin phép xây dựng với hồ sơ như xin phép xây mới. Tuy nhiên, thực tế người dân không mấy khi làm thủ tục này.
Đại diện Sở Xây dựng nhìn nhận, xây dựng nhà riêng lẻ là vấn đề rất phức tạp. Với nhà xây mới, phường, quận còn quản lý được, lực lượng quản lý trật tự xây dựng còn kiểm tra, theo dõi trong quá trình thi công. Còn như người dân sửa chữa bên trong nhà thì chính quyền và lực lượng chức năng không thể kiểm soát nổi. “Những việc tưởng rất đơn giản như dỡ một bức tường cũng cần hết sức thận trọng, phải cài, cấy, gia cố rầm, cột tránh ảnh hưởng đến kết cấu song không phải ai cũng hiểu điều này” - ông Đào Xuân Thông chia sẻ.
(Theo ANTĐ)