SearchNews

Nhà tái định cư: Đi theo hướng “căn cơ”

23/04/2012 10:25

Thiếu quỹ nhà tái định cư là "điệp khúc" trong nhiều năm, là vấn đề luôn song hành với tốc độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, phát triển mới và cải tạo đô thị.

Thiếu quỹ nhà tái định cư là "điệp khúc" trong nhiều năm, là vấn đề luôn song hành với tốc độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, phát triển mới và cải tạo đô thị.


Để thực hiện được mục tiêu "Tái định cư đi trước một bước" như mong muốn, Hà Nội đang tiến hành rà soát và lên kế hoạch cho những bước đi mang tính căn cơ.

Xác lập quỹ đất

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở QH - KT vừa đề xuất một số địa điểm quy hoạch bổ sung mới khu tái định cư (TĐC) phục vụ GPMB trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020. Đề xuất dự kiến địa điểm quy hoạch tập trung bổ sung mới gồm 7 khu với tổng diện tích khoảng 167ha. Việc xác lập quỹ đất để xây dựng những khu TĐC có quy mô với hệ thống hạ tầng xã hội đầy đủ, tạo điều kiện sống tốt cho người dân trong diện di dời là giải pháp mang tính căn bản.

Sở QH - KT đề xuất 3 vị trí tại huyện Hoài Đức. Vị trí X1, quy mô 42ha, trong đó, 41ha nằm trong đồ án quy hoạch KĐT Viwasen và 1ha nằm trong dự án đầu tư KĐT Đức Giang. Vị trí X2, quy mô 42ha, trong đó 1ha nằm trong dự án đầu tư KĐT Tây Đô, 33ha nằm trong dự án KĐT Sơn Đồng và 8ha nằm ngoài các dự án. Vị trí X3, quy mô 35ha, trong đó 8ha nằm trong dự án đầu tư KĐT Sơn Đồng, 27ha nằm ngoài dự án đầu tư đã có và một phần là dân cư làng xóm. Cả 3 vị trí đều thuộc đồ án Quy hoạch phân khu S2 đang được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập.

Tại huyện Đông Anh, Sở QH -KT đề xuất khu TĐC (vị trí X4), quy mô khoảng 19ha, dự kiến phục vụ tái định cư dự án đầu tư Trường quay Cổ Loa. Tại huyện Đan Phượng, vị trí X5, có quy mô khoảng 6ha, thuộc địa bàn xã Liên Hà. Vị trí X6 có diện tích khoảng 4ha được xác định tại địa bàn xã Tân Hội. Tại huyện Chương Mỹ, khu TĐC (vị trí X7) dự kiến có quy mô khoảng 19ha, thuộc địa bàn thị trấn Chúc Sơn. Cả bốn khu TĐC được đề xuất này đều đang là đất canh tác và theo Quy hoạch chung Thủ đô, đây là những khu vực được xác định chức năng là đất đơn vị ở mới.

Nhiều giải pháp

Cùng với việc đề xuất 7 vị trí để xây dựng khu TĐC, Sở QH-KT kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ các quỹ đất trong các khu chức năng đô thị; quỹ đất 20% trong các KĐT mới; các dự án đầu tư xây dựng khu TĐC tập trung đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và các dự án đầu tư được duyệt trên toàn TP. Từ đó, kết hợp với báo cáo về quỹ đất TĐC của các quận, huyện, thị xã để xác định cụ thể nhu cầu TĐC năm 2012 và đến năm 2020, đánh giá cụ thể tình hình triển khai các dự án đầu tư, làm cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án phục vụ nhu cầu TĐC trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020.

Không chỉ rốt ráo trong việc chuẩn bị quỹ đất, thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện rút kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp đồng bộ. Có thể thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các dự án tái định cư luôn chậm tiến độ là do thiếu vốn. Tuy nhiên, việc thiếu vốn không hoàn toàn do việc cấp vốn từ ngân sách chậm mà còn do các quận, huyện triển khai dự án còn thiếu bài bản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc hoàn thành quỹ nhà TĐC mà còn khiến cho tổng mức đầu tư của các dự án gia tăng đáng kể.

Tại cuộc họp kiểm điểm về các dự án đầu tư xây dựng nhà TĐC, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo, để đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà TĐC cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Các quận, huyện đều chờ tiền ngân sách mới làm, vì vậy, cần rà soát xem đơn vị nào mạnh để điều tiết dự án, cân đối năng lực, nếu cần thiết sẽ thay thế chủ đầu tư. Cùng với việc kiểm tra, đôn đốc, các ngành cần tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm tổng hợp các nguồn vốn đầu tư, mở rộng phương thức xã hội hóa trong việc lập quỹ nhà TĐC.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu