SearchNews

Nhà thu nhập thấp: Tăng giá là khó tránh

15/03/2011 16:54

Đã 2 tuần kể từ khi dự án đầu tiên trong số 5 dự án nhà giá thấp đồng loạt mở bán một đợt, bên cạnh nỗi lo chạy hồ sơ mua nhà lại gánh thêm một nỗi lo chưa có lời giải đáp: Liệu có thực được mua nhà giá thấp?

Đã 2 tuần kể từ khi dự án đầu tiên trong số 5 dự án nhà giá thấp đồng loạt mở bán một đợt, bên cạnh nỗi lo chạy hồ sơ mua nhà lại gánh thêm một nỗi lo chưa có lời giải đáp: Liệu có thực được mua nhà giá thấp?

Nhiều khách hàng còn tâm lý “tham khảo”

Ngày 10/3, ngày đầu tiên mở bán trên 1.500 căn hộ dành cho người thu nhập thấp (TNT) trong khu ĐTM Đặng Xá số người đi đăng ký khá vắng vẻ. Chị Yến - một công chức Nhà nước đang công tác tại một phường thuộc Q.Long Biên có hồ sơ nộp thuộc top đầu tiên chia sẻ: Cứ đọc báo mạng thấy cảnh chen chân nộp hồ sơ mua dự án CT1 Ngô Thì Nhậm năm ngoái tôi cũng thấy ngại. Nhưng dự án Đặng Xá này vắng quá! Các nhân viên tiếp nhận cũng khá thoải mái, mình thiếu giấy xác nhận công chức để được cộng điểm họ vẫn nhận hồ sơ cho phép mình bổ sung sau. Về cảm tưởng của chị với khu đô thị này, chị Yến cho biết: Đúng là khu đô thị rất đẹp, đồng bộ nhưng... xa quá! “Tôi công tác ở Q.Long Biên, hiện đang ở nhờ nhà bố mẹ đẻ ngay P.Ngọc Lâm mà đi xuống đây còn thấy ngại vì xa, không biết những người khác ở bên kia TP phải qua cầu thì còn ngại như thế nào.”

Trong số các dự án nhà TNT dịp này riêng khu vực bên này cầu Chương Dương có 2 dự án: 01 dự án KĐTM Đặng Xá (H.Gia Lâm) và 01 dự án KĐTM Sài Đồng (Q.Long Biên). Dự án Sài Đồng gần hơn về khoảng cách địa lý so với trung tâm TP nhưng so về hình thức, thiết kế, chất lượng... không đẹp bằng dự án Đặng Xá. Vì nằm ở khu vực xa trung tâm lại cách qua cầu nên đa phần khách mua nhà quan tâm đến hai dự án này là khách có hộ khẩu hoặc công tác tại địa bàn Q.Long Biên. Thực tế đến thời điểm này dự án Sài Đồng vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ mà thời gian tiếp nhận kéo dài hàng tháng trời nên dự án Đặng Xá sẽ khó có cảnh chen chân, quá tải trong 2-3 tuần đầu.

Trong khi đó, với ưu thế trong KĐTM Kiến Hưng vị trí khá đẹp, cộng thêm uy tín là DN đi đầu trong đầu tư và bán nhà TNT, dự án Kiến Hưng do Cty CP Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư vẫn được nhiều khách hàng quan tâm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 hồ sơ đăng ký mua. Nhiều người hi vọng dự án này giá cũng sẽ hợp lý vì chỉ cách đây 5 tháng, chính chủ đầu tư này đã bán dự án CT1 Ngô Thì Nhậm vị trí mặt tiền ngay trung tâm Q.Hà Đông giá chưa đầy 9 triệu đồng/m2.

Nỗi lo trượt giá

Điều mà các khách hàng băn khoăn nhất là việc giá bán căn hộ. Cả chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai lẫn TCty Viglacera (Chủ đầu tư KĐTM Đặng Xá) đều cho biết sớm nhất cũng phải sang tháng 4, mới có giá bán. Lý do mà các chủ đầu tư đưa ra là phải tính toán lại các chi phí trong điều kiện giá vật liệu, nhân công và các chi phí vận chuyển... tăng cao.

Mặc dù vậy, không hiểu từ đâu trong dư luận vẫn âm ỉ thông tin dự kiến căn hộ TNT bán ra lần này có giá lên tới 14 triệu đồng/m2. Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đa - Phó Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho biết giá bán chủ đầu tư đưa ra phải dựa trên cơ sở tính đúng, tính đủ để không bị lỗ nhưng chủ đầu tư cũng không thể “đẩy” giá được vì còn có sự thẩm định của cơ quan quản lý là Sở Xây dựng Hà Nội.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, giá bán do chủ đầu tư đưa ra nhưng theo quy định giá bán được xác định trên cơ sở quyết toán và chủ đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Tài chính để thẩm tra, trình TP phê duyệt. Việc quyết toán dự án thường phải sau khi xây dựng xong công trình nhà ở hàng năm, vì vậy TP đang xin ý kiến Bộ Xây dựng đề nghị cho phép tính giá trên cơ sở dự toán cấp thẩm quyền phê duyệt có tính thêm trượt giá (nếu có). Quy định về tính toán giá cả đã rất rõ ràng. Ngoài các chi phí xây dựng, các ưu đãi của Nhà nước, doanh nghiệp chỉ được lãi 10%. Ai làm sai phải chịu trách nhiệm.

Theo tính toán của một số chủ thầu xây dựng, việc tăng tỉ giá USD/VNĐ lên 9,3%, giá điện tăng 15,28% và xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng 17,6% đang bắt đầu tác động trực tiếp các chi phí đầu vào của các dự án BĐS. Việc tăng giá vật liệu cũng khiến giá xây thô bị đội lên 10 - 15%. Với các dự án nhà ở thương mại, việc tăng giá hay không phụ thuộc vào hợp đồng đã ký với khách hàng nhưng với các dự án nhà TNT đằng sau nỗi lo kinh phí người mua còn phải chịu những nỗi lo khác nữa: Lo hồ sơ giấy tờ đúng quy định, đủ điểm ưu tiên được mua; lo may mắn bốc thăm trúng, mua được dự án phù hợp với điều kiện đi lại, sinh hoạt của cả gia đình... Nhiều khách hàng còn chần chừ chưa dám nộp hồ sơ vào thời điểm “bão giá” này, khi mà các nhà đầu tư cũng kiên quyết chưa công bố giá đến thời hạn chót nhận hồ sơ đăng ký.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: Giá xây nhà do rất nhiều yếu tố đầu vào từ vật liệu đến vận chuyển, nhân công, xăng dầu, điện... Việc tăng giá đầu vào khác với tăng giá công trình xây dựng, nên không thể tăng giá thành công trình tương ứng với tỷ lệ tăng giá đầu vào.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc giá thành căn hộ TNT tại Hà Nội cao hơn nhiều địa phương khác không chỉ vì yếu tố giá đầy vào mà còn vì chi phí đầu tư lớn: làm tầng hầm, tăng chiều cao các tòa nhà, giải phóng đền bù cao, xây dựng hạ tầng khớp nối...

Bộ Xây dựng vừa ban hành hướng dẫn về vấn đề huy động vốn thực hiện dự án nhà ở xã hội cho người TNT ở đô thị. Theo đó, căn hộ thuộc các dự án này được bán theo hình thức trả tiền một lần hoặc trả chậm, trả dần (trả góp). Nếu chủ đầu tư dự án thỏa thuận huy động tiền ứng trước của khách hàng thì công trình nhà ở đó phải có thiết kế đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng.Việc huy động vốn có thể tạm tính trên cơ sở thiết kế, dự toán của công trình đã được thẩm định và được thực hiện làm nhiều lần cho đến khi công trình hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.

(Theo Báo Xây Dựng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu