Đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Ngày 22/2, tại thủ đô Tokyo, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) và Ngân hàng Citibank Nhật Bản đã chính thức ký kết thỏa thuận tín dụng cho
dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Theo thỏa thuận trên, SMBC và Citibank sẽ phối hợp thu xếp và cho VDB vay 270 triệu USD để tài trợ cho các gói thầu số 3 và số 8 của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với lãi suất ưu đãi. Thời hạn của khoản vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn 4,5 năm.
Cơ quan Bảo hiểm Xuất khẩu và Đầu tư Nhật Bản (NEXI) sẽ đứng ra bảo hiểm cho hợp đồng vay vốn này theo chương trình bảo hiểm không buộc của NEXI.
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực đồng bằng Bắc Bộ thông qua việc nâng cao năng lực giao thông trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng.
Bên cạnh đó, dự án này cũng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản bởi vì, đồng bằng Bắc Bộ là khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp của “đất nước Mặt Trời mọc” đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Marc Merlino, Giám đốc Đại diện kiêm Phó Chủ tịch Citibank Japan Ltd., cho rằng với dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ điều kiện giao thông thuận lợi hơn giữa hai thành phố, trong khi phía Nhật sẽ hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp của nước này đang hoạt động ở dọc hai bên tuyến đường.
Phó Chủ tịch NEXI Fuminori Inagaki nói đồng bằng Bắc Bộ là trung tâm kinh tế phía Bắc của Việt Nam. Vì vậy, dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực này mà còn tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam.
Theo VDB, đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Con đường này có tổng chiều dài 105,5km, với điểm đầu nằm trên vành đai III thuộc địa phận huyện Gia Lâm (Hà Nội) và điểm cuối là đập Đình Vũ (Hải Phòng). Chiều rộng mặt cắt ngang bình quân của tuyến đường là 100m, trong đó mặt cắt ngang đường chính tuyến rộng 33m và mặt cắt ngang nền đường bình quân là 50m. Vận tốc thiết kế tối đa là 120km/giờ.
Dự án này được chia làm 10 gói thầu và được triển khai theo hình thức BOT từ năm 2008. Đến giữa tháng 1/2012, dự án đã khởi công 9/10 gói thầu xây lắp chính. Theo dự kiến, gói thầu cuối cùng sẽ được khởi công trong năm nay.
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho VDB nhiệm vụ huy động vốn cho dự án từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài.
(Theo TTXVN)