Đến thăm các tỉnh Đông bắc Thái Lan, nhất là trong dịp Tết, ta có cảm giác như được trở về với quê hương.
Tại các tỉnh này, du khách có thể gặp gỡ với khá nhiều bà con Việt kiều và tìm thấy nhiều bánh chưng, giò chả và các món ăn đặc trưng của Việt Nam được bày bán trên các quầy hàng trong khá nhiều chợ tại tỉnh Udon Thani (Uđon Thani), Ubon Ratchathani (Ubôn Rátchạthani) và Mukdahan (Mụcđahản).
Thú vị hơn nữa là có thể trực tiếp giao tiếp bằng tiếng Việt với các chủ hàng và cả khách mua là kiều dân địa phương hay từ Băngcốc ghé vào chợ.
Tại Khet Saban 1, chợ thực phẩm lâu đời nhất ở thị xã Mương (tỉnh Udon Thani), người Thái gốc Việt chiếm tới 40-50% số tiểu thương trong chợ. Họ thường thuê dài hạn các quầy để bán giò, bánh trưng, bánh gai, nem cuốn, nem nướng,…, và hoa trái.
Trong số các kiều dân đó có cô Trần Thị Nga, một Việt kiều theo nghề làm giò chả của bố mẹ từ nhỏ, bác Tiu, người bán thịt heo được hơn 40 năm nay ở miền Đông bắc Thái Lan, cô Phạm Thị Nòi bán giò và bánh tráng (bánh đa nem) Việt Nam ở chợ Thet Saban 3 (hay còn gọi là Talat Yai, tỉnh Ubon Ratchathani, cách Băngcốc khoảng trên 600 km). Số lượng giò chả và thực phẩm bán được đều tăng lên mạnh trong dịp lễ Tết cổ truyền của Việt Nam và của Thái Lan.
Quang cảnh mua bán tại chợ Khet Saban 1, Thet Saban 3 (chợ lớn nhất ở thị xã Mương, tỉnh Ubon Ratchathani) và những chợ khác cũng tấp nập và nhộn nhịp không kém. Có khá đông bà con ra bán hàng trong các chợ đó và cả chợ bán hàng dệt may, một phần vì có những thời kỳ họ bị o ép, cấm đoán đủ thứ và không được phép làm những ngành nghề mà người Thái đang làm, nên buộc phải lấy chạy chợ làm nghề kiếm sống. Thêm nữa tại xứ người, họ cũng có nhu cầu cần nấu nướng, thưởng thức các món ăn truyền thống nên từ đó hình thành khu chợ Việt để cung cấp những thức ăn mang hương vị quê nhà.
Chị Trương Thị Oanh, một Việt kiều hiện đang buôn bán và kinh doanh ở Băngcốc, cho biết: “Mỗi khi về Udon Thani, tôi bao giờ cũng đến chợ này vì có nhiều món ăn hương vị Việt Nam… Trước hết là tìm mua giò, thứ mà các con tôi rất thích. Sau nữa là bánh chưng, khi rán lên ăn rất ngon". Trong khi đó, chị Bùi Thanh Hường, từng là phó chủ tịch Hội người Việt Nam ở tỉnh Udon Thani, nói với phóng viên rằng gia đình chị trong dịp Tết cũng hay mua nhiều giò chả và các món ăn truyền thống của Việt Nam.
Giò chả, nem nướng hay bánh trưng do người Việt làm ra qua bao đời nay dù ở đây ít nhiều phảng phất hương vị Thái nhưng vẫn giữ “bí quyết” gia truyền, vì thế được cả kiều bào lẫn người Thái ưa thích. Đối với người Việt Nam chúng ta, mỗi khi đến nơi này đều ngạc nhiên một cách thích thú và rất lấy làm tự hào trước một nghề truyền thống, một món ăn của đất nước mình đã có mặt và phát triển trên đất Thái Lan.
Vui hơn nữa là được trò chuyện với các Việt kiều bán nhiều hoa tươi, trái cây và cả trầu cau trong chợ - nơi các đồng tiền dùng trong thanh toán đều được đổi sang đồng baht Thái. Chị Nguyễn Thị Bình cho biết chị phải đến chợ mua và bán hoa tươi như hoa hồng, hoa cúc và các hoa khác từ 4-5 giờ sáng hàng ngày.
Vì chiến tranh hay vì nhiều lý do khác mà phải tản cư sang Lào rồi qua Thái Lan sinh sống, bà con người Việt ban đầu thường quần tụ để có thể hỗ trợ lẫn nhau, dần dần hình thành nên cụm dân cư giống như làng chợ của cộng đồng người Việt ở xứ “chùa Vàng”. Từ hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ tự phát lúc đầu, các chợ tại những tỉnh thành có đông Việt kiều sinh sống ở vùng Đông bắc Thái Lan phát triển từng bước, có quy mô hơn và trở thành đầu mối giao thương ở những địa phương đó.
(Theo TTVH)