SearchNews

Những người trẻ bàn cách bảo tồn phố cổ

08/02/2011 08:34

Ba sinh viên thế hệ 8X đã mất nửa năm để thực hiện công trình nghiên cứu về sự biến đổi, những giải pháp để bảo tồn khu phố cổ Hà Nội.

Ba sinh viên thế hệ 8X đã mất nửa năm để thực hiện công trình nghiên cứu về sự biến đổi, những giải pháp để bảo tồn khu phố cổ Hà Nội.

Đề tài “Sự biến đổi hình thái không gian và chức năng thương mại nhà mặt phố tại khu phố cổ Hà Nội” vừa đoạt hai giải ba của hai cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học (Bộ GD&ĐT) và Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec. Tuy không đoạt giải thưởng cao nhất nhưng công trình đã thuyết phục ban giám khảo bởi sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và tình yêu phố cổ của các bạn sinh viên.

“Hiểu Hà Nội” là cái được lớn nhất

Khi được hỏi trong lúc thực hiện đề tài có hy vọng sẽ đoạt giải cao hay không, Vũ Thành Công (trưởng nhóm sinh viên nghiên cứu) cười nói: “Khi làm thì chỉ muốn làm cho xong thôi”. Các bạn trong nhóm thừa nhận cả nhóm đã không nghĩ gì đến giải thưởng, không nghĩ đến khoản tiền ít ỏi hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học mà chỉ cố hoàn thành công trình để “làm được cái gì đó cho Hà Nội”.

Những thông tin về sự biến đổi của phố cổ từ khi hình thành (thế kỷ XI) đến giai đoạn hiện nay được trình bày có lớp lang, nhiều hình ảnh minh họa sinh động. Vũ Thành Công cho biết từ tháng 12-2009, nhóm của Công đã chia nhau tìm đọc tài liệu trên Internet, nghiên cứu các tài liệu của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), Viện Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng).

Nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học và TS Lê Quỳnh Chi (thứ hai từ trái sang) tại một hội thảo quốc tế về kiến trúc. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)

Những ngày rong ruổi thực địa tại khu phố cổ có lẽ vất vả và cũng nhiều kỷ niệm hơn cả việc nghiên cứu tài liệu. Ròng rã ba tháng nghiên cứu, nhóm sinh viên ĐH Xây dựng đã quen mặt người dân ở khu phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy (tuyến phố chọn làm điển hình nghiên cứu). Công kể, em đã gặp một gia đình ở phố Đường Thành. Có hai ông bà cụ ở cùng với vợ chồng người con và các cháu. Con cháu của các cụ đều muốn ra ngoài vì ở trong phố cổ chật chội, ngột ngạt quá. Còn hai ông bà thì muốn ở lại vì với họ, khu phố này quá đỗi thân quen, như máu thịt của họ. “Như vậy là tình cảm của thế hệ trẻ với phố cổ không nhiều, đã mai một dần. Em sợ sau này những người trẻ trưởng thành, họ giữ quyền xây dựng, sửa sang nhà cổ thì những nét đẹp của kiến trúc cổ sẽ mất đi” - Công tâm sự.

Giữ lại “shop house”

Theo Tiến sĩ Lê Quỳnh Chi (người hướng dẫn nghiên cứu đề tài), điểm thành công của đề tài này là chứng minh được mô hình “nhà kết hợp với cửa hàng” (shop house) là phù hợp nhất của việc kết hợp bảo tồn và khai thác phố cổ. “Phố cổ giống như một cơ thể sống, muốn bảo tồn được nó thì phải hiểu được cơ chế vận động của nó. Phải có góc nhìn kết hợp giữa kiến trúc với các vấn đề lịch sử, xã hội, kinh tế… để tìm ra giải pháp bảo tồn phù hợp. Đề tài này đã làm được điều đó” - cô Chi nói.

Theo nghiên cứu của đề tài, kiến trúc “shop house” ở phố cổ Hà Nội đã trải qua nhiều thăng trầm. Giai đoạn 1960-1980, do chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân; chính sách phát triển sản xuất, chính sách kinh tế của thời bao cấp, toàn bộ khu phố cổ nơi buôn bán sầm uất trước đây đã trở thành khu đơn thuần để ở. Mặt tiền của nhiều cửa hàng được sửa lại thành mặt tiền nhà ở có cửa ra vào và cửa sổ, phố xá yên tĩnh hơn nhưng một số mặt hàng thủ công truyền thống bị mai một, nét phồn hoa của “36 phố phường” phai nhạt… Đến thời kinh tế thị trường, buôn bán ở khu phố cổ dần dần được phục hồi, phát triển và lại sầm uất hơn xưa. Nhưng nguy cơ mới đến với phố cổ, nếu không quy hoạch tốt thì những nhà hàng, khách sạn quy mô lớn, siêu thị hiện đại… sẽ đè bẹp những hộ kinh doanh theo quy mô nhỏ. Những phương tiện giao thông hiện đại, những ồn ào của các hình thức kinh doanh mới sẽ phá vỡ “ngõ nhỏ, phố nhỏ”.

Vũ Thành Công dự định sẽ tiếp tục “đào xới” đề tài kiến trúc phố cổ khi em thực hiện luận văn thạc sĩ. Điều mà các bạn trẻ cùng nhóm với Công mong muốn là những ý tưởng, kiến nghị của mình không chỉ nằm trên giấy mà trở thành những tác động trực tiếp để vẻ đẹp của phố cổ, tình yêu phố cổ không bị mai một đi.

(Theo NLĐ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu