> Hà Nội trên từng con phố
> Hà Nội: Phát hiện dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Sơ
> Hoàng thành Thăng Long sắp trở thành công viên văn hóa lịch sử
Cuộc khai quật “chữa cháy” tại nút giao thông Văn Cao - Hồ Tây (Hà Nội) vừa chính thức hoàn tất.
Với những gì xuất lộ, các nhà khảo cổ học đã khẳng định chắc chắn, đoạn đường Hoàng Hoa Thám (cụ thể là địa điểm đang tiến hành khai quật) chính là một đoạn tường thành phía Tây Bắc của Hoàng Thành Thăng Long thời cổ.
Di tích địa rất dày, tới 7,4 mét. Dựa vào cấu tạo các lớp đất cùng các di vật phát hiện được, có thể chia địa tầng thành 17 lớp văn hóa. Trong đó, tính từ trên xuống, lớp văn hóa thứ 15 là lớp di chỉ cư trú. Trong tầng văn hóa này, ngoài các dấu tích cư trú còn tìm thấy nhiều gạch ngói đất nung, gốm sứ, bao nung, bát đựng men thuộc giai đoạn Lý - Trần.
Đặc biệt, những loại hình gốm sứ phát hiện ở đây đều đã thấy tại khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Đó là những đồ gốm có chữ, hoặc vẽ rồng. Những đặc điểm này cho thấy chúng là những đồ dùng được “đặt hàng”, có chất lượng rất cao dùng để biếu tặng, ban thưởng. Từ đó, có thể thấy rõ các di vật thu được có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu di sản văn hóa Thăng Long.
Dự kiến, ngay trong tuần này sẽ có buổi báo cáo sơ bộ về tình hình khai quật và có các cuộc thảo luận kỹ hơn về tương lai của đoạn thành làm sao để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Trước đó, các nhà khoa học đã công bố kết quả khảo cổ Phát hiện dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Sơ trên đường Hoàng Diệu.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học), “lần đầu tiên chạm đến chỗ thiêng liêng nhất của kinh thành Thăng Long” nên tất cả đều rất cẩn trọng. Sau hai tháng khai quật tại năm điểm, các nhà khoa học cũng chỉ mới đào sâu xuống 1m so với mặt đất và chưa tiếp cận được lớp sinh thổ.
Tuy diện tích nhỏ nhưng lần khai quật này được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu dấu tích kiến trúc và quy mô của Hoàng thành Thăng Long xưa.
Tầng văn hóa thời Lê Sơ thể hiện rõ nét ở dấu tích của đan trì (sân rồng dành cho vua quan nhà Lê) xây dựng bằng gạch vồ có niên đại kéo dài từ thời Lê Sơ đến thời Lê Trung Hưng chìm xuống 1m so với bề mặt. Loại sân nền này có quy mô rộng toàn bộ khu vực từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên. Đặc biệt quan trọng là phía dưới nền điện Kính Thiên có xuất hiện ba dấu tích móng đầm kiến trúc dài 4,2m.
|
(Theo ANTĐ)