Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đến năm 2030.
Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm: toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với các đô thị: thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 8 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu, và xã Hòn Thơm.
Mục tiêu xây dựng đảo Phú Quốc phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng và quốc gia; từng bước xây dựng trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Mô hình phát triển thành phố du lịch sinh thái biển đảo Phú Quốc theo cấu trúc chuỗi tập trung, đa trung tâm. Cấu trúc không gian theo trục chính Bắc - Nam An Thới - Cầu Trắng, trục giao thông vòng quanh đảo Bãi Vòng - Bãi Thơm - Rạch Tràm - Rạch Vẹm - Gành Dầu - Cửa Cạn - Đương Đông - Bãi Trường - Bãi Khem kết nối cảng biển quốc tế An Thới, Bãi Đất Đỏ, sân bay quốc tế Dương Tơ.
Cấu trúc các vùng đô thị - du lịch bao gồm: khu đô thị Cửa Cạn, khu đô thị Dương Đông, khu đô thị An Thới, các vùng du lịch sinh thái: Bắc đảo, du lịch sinh thái Nam đảo, du lịch hỗn hợp Bãi Trường - Bãi Vòng, các làng nghề truyền thống.
Khu đô thị Dương Đông sẽ là trung tâm của thành phố du lịch đảo Phú Quốc. Đây là trung tâm hành chính, dịch vụ công cộng, thương mại, tài chính quốc tế, dịch vụ du lịch và khu dân cư tập trung của đảo.
Ngoài ra, còn có khu đô thị cảng An Thới và khu đô thị Cửa Cạn. Khu đô thị An Thới sẽ là cảng quốc tế, đầu mối kỹ thuật - trung tâm tiếp vận, phi thuế quan, thương mại, du lịch... còn khu đô thị Cửa Cạn sẽ giành cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn rừng, biển, nông nghiệp và du lịch đảo.
Phú Quốc cũng sẽ có 15 khu du lịch sinh thái bao gồm: Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm, Rạch Vẹm, Bài Dài, Vũng Bầu, Cửa Cạn, Bãi Ông Lang... 2 khu du lịch hỗn hợp Bãi Vòng và Vịnh Đầm; khu phức hợp Bãi Trường và nhiều điểm du lịch đặc trưng khác.
Duy Khánh