Toàn cảnh vấn đề giao thông đô thị trên Dothi.net
Phó tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Trọng Thông thừa nhận những hạn chế của xe buýt như bỏ chuyến, tài xế thiếu lịch sự là khó tránh khỏi.
- Ông nhìn nhận thế nào về đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân của Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, cũng như thành phố Hà Nội?
Với sự phát triển chưa thể kiểm soát của các loại phương tiện, đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân rất đáng quan tâm. Những người làm vận tải nói chung và vận tải công cộng nói riêng rất vui mừng vì lãnh đạo đầu ngành rất quyết liệt và trách nhiệm. Riêng với vận tải công cộng, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Tuy nhiên, cần nhất vẫn là sự thông hiểu, hỗ trợ và giúp đỡ của cộng đồng bởi nếu không có sự đồng thuận thì chẳng làm được gì.
Vừa rồi, chúng tôi triệu tập toàn bộ giám đốc các đơn vị trực thuộc để triển khai nghị quyết của Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) là tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Tôi nói rằng đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội của ngành vận tải công cộng, nhưng cơ hội này cũng giống như việc vỗ tay, một bàn tay thì không thể làm được. Người phục vụ phải xây dựng văn hóa, chất lượng và người được phục vụ cũng phải suy nghĩ thế nào khi tham gia vào văn hóa đó.
- Trong điều kiện hạ tầng giao thông của Hà Nội, ông nghĩ sao trước ý kiến phát triển xe buýt sẽ gây ùn tắc?
Nói xe buýt gây ùn tắc là sai lầm. Quỹ đất là một hằng số, con người cứ sinh sôi, phương tiện cứ phát triển mà không biết điều tiết, sắp xếp thì bất cứ ai tham gia giao thông bằng phương tiện gì cũng là nguyên nhân gây ách tắc. Vậy quỹ đất chỉ có thế thì phải ưu tiên dành cho phương tiện gì?
Thử tưởng tượng, nếu thấy xe buýt là nguyên nhân gây ách tắc thì bỏ xe buýt đi. Một xe buýt vào giờ cao điểm chở 80 người, còn xe máy chỉ chở 2 người một xe thì phải cần tới 40 chiếc. Vậy diện tích giao thông động của 40 xe máy là bao nhiêu và một xe buýt là bao nhiêu? Nếu bảo bỏ xe buýt vì tắc đường thì đó là sai lầm trong quản lý đô thị. Chính vì thế, Bộ trưởng Giao thông mới đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân để dành chỗ cho vận tải công cộng.
- Nếu hạn chế phương tiện cá nhân, khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển của Transerco thế nào?
Trong điều kiện hiện nay, xe buýt cần hoàn thiện hơn về chất lượng chứ phát triển về đoàn phương tiện là không hợp lý bởi vì làm gì có chỗ. Các nước phân làn rõ ràng, xe buýt (trong đó có cả xe buýt cỡ lớn, BRT) chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Nhưng giao thông của ta phát triển thêm xe buýt thì không có chỗ mà đi.
Để đạt mục tiêu đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2020 thì cần phải triển khai các biện pháp như không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe, bán vé nhằm giữ vững hình ảnh xe buýt thân thiện trong con mắt người dân. Thêm vào đó, cần phải có sự hỗ trợ, chỉ đạo từ thành phố. Hà Nội và Ngân hàng Thế giới đang thúc tiến độ tuyến BRT Giảng Võ - Yên Nghĩa, bắt buộc phải hoàn thành năm 2013 để kịp thời hạn giải ngân.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cũng đã họp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về dự án tăng cường giao thông công cộng tại Hà Nội. Mục tiêu là xây dựng kế hoạch, quy hoạch ưu tiên phát triển xe buýt cũng như hạ tầng buýt, từ đó tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân để đi xe buýt. Dự án phải đạt được 4 tiêu chí là góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng số người đi xe buýt, cải thiện hình ảnh, tăng tính thân thiện của xe buýt với người dân. Đồng thời xe buýt của dự án phải là xe tiêu chuẩn, gầm thấp, ít ghế ngồi. Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2011-2014.
Sắp tới, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng sẽ làm việc với Tổng công ty Vận tải Hà Nội để cùng ngành đưa ra phương hướng phát triển vận tải công cộng phù hợp điều kiện hiện tại.
- Vừa qua Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ đi xe buýt và vận động cán bộ, nhân viên của Bộ cùng sử dụng dịch vụ này ít nhất một lần một tuần. Vậy ông và các cán bộ của Transerco có thường xuyên sử dụng loại phương tiện do mình đang điều hành?
Bộ trưởng đi xe buýt là rất Tây. Tôi cũng bắt chước ông ấy nhưng từ cách đây cả chục năm rồi. Giờ tôi vẫn đi và luôn có thẻ xe buýt hàng tháng. Tổng giám đốc đi, tôi cũng đi và yêu cầu giám đốc các đơn vị cũng phải đi xe buýt. Các cán bộ quản lý thì không phải vận động mà bắt buộc phải đi làm bằng xe buýt để xem hành khách phản ánh gì để biết mà khắc phục.
Tôi đã mở cuộc vận động đi xe buýt trong toàn Tổng công ty để cho mọi người góp phần vào việc thúc đẩy xe buýt và đồng thời tự người quản lý đi để xem nhân viên có khiếm khuyết gì, hệ thống của mình còn có gì phải cân chỉnh.
- Rất nhiều hành khách phàn nàn về việc thiếu lịch sự của tài xế, xe buýt bỏ bến, ông nói gì về điều này?
Chất lượng đội ngũ lái xe là một trong những nguyên tố tạo nên chất lượng dịch vụ xe buýt. Lái xe là nghề mang tính đặc thù xã hội cao, phụ thuộc vào cả tay nghề và tâm lý. Do hoạt động trong môi trường giao thông đô thị hỗn tạp luôn có sự ùn tắc, không có làn đường dành riêng, phải phục vụ đa dạng hành khách nên các lái xe buýt bị sức ép về giao thông và tâm lý hơn nhiều so với lái xe khách đường dài.
Tôi thừa nhận với hơn 5.000 nhân viên hoạt động trên 900 xe buýt và mỗi ngày vận chuyển hơn một triệu lượt người thì việc va chạm với khách là điều khó tránh khỏi. Thực tế, do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, tình trạng đi lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu thường xảy ra. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến những hành vi, ứng xử của lái xe buýt khi va chạm với các phương tiện khác.
Sáu tháng qua, với các lỗi như làm thất thoát doanh thu, cắt lộ trình, và thái độ vô lễ với khách hàng sau khi có bằng chứng rõ ràng, chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với 87 người; khiển trách bằng văn bản, bồi hoàn vật chất theo quy chế gần 1.400 người và nhắc nhở khiển trách trước tập thể gần 400 người.
- Từng đi xe buýt nhiều, đã bao giờ ông phải chịu cảnh chen lấn, móc túi?
Tôi đi vé tháng nên không ai biết. Có lúc đi vào giờ cao điểm thì cũng bị chen lấn. Nhưng thường tôi đi sớm lắm chứ tội gì đi vào giờ cao điểm để bị tắc đường. Tôi không nuông chiều nhân viên. Đi trên xe, gặp nhân viên bán vé vi phạm, tôi liền nhắn tin cho giám đốc đơn vị đó. Hay tôi lên xe, thấy có mùi thuốc, hỏi hành khách thì họ bảo lái xe vừa hút, tôi cũng nhắn tin cho giám đốc luôn. Rồi xe thiếu thương hiệu tôi cũng nhắn tin báo lại cho lãnh đạo của họ chứ không rút điện thoại ra gọi bởi nhân viên có biết mình đâu, nhỡ họ cãi lại thì mình thiệt. Khi họp, tôi nói với các giám đốc đơn vị trực thuộc rằng nhiều lúc tớ làm các cậu khó chịu vì cứ như "bà la sát vậy".
Không chỉ đi làm mà nhiều khi đi chơi tối tôi cũng phải nhảy xe buýt. Nhưng thực ra không phải yêu xe buýt, mà đó là trách nhiệm chứ tự nguyện thì đúng là hơi khó. Không còn cái gì thì mới phải đi xe buýt. Phải thừa nhận là xe buýt có cái tiện lợi chứ nếu nói hấp dẫn thì chỉ là mỹ miều bởi hấp dẫn sao được. Thế nên phải làm sao để tạo ra mạng lưới xe buýt hợp lý và tiện lợi.
Có hôm tôi không bắt được xe buýt phải đi bộ về nhà, mọi người ở đầu phố biết tôi nên nói: "Ông này cũng phải đi bộ, không bắt được ôtô đây này". Nghe thế cũng thấy bức xúc nhưng chỉ bức xúc không thì chẳng giải quyết được gì. Phải tìm ra là trong điều kiện như thế phải làm thế nào, vận đông người dân, công luận ra làm sao. Đã trót vào nghiệp phục vụ công thì sẽ bị nói suốt đời. Từ khi tôi làm đến giờ chưa thấy ai khen nhưng la ó thì nhiều.
(Theo VnExpress.net)