Không chỉ bỗng dưng mất đất, khổ sở vì không có giấy chủ quyền… mà
nhiều cư dân Phú Mỹ Hưng “xui xẻo” còn gặp lắm cảnh dở khóc dở cười khi
chuyển đến sống ở khu đô thị văn minh, hiện đại này.
> Phú Mỹ Hưng: chuyện "người giàu cũng khóc"
> Phú Mỹ Hưng: chuyện "người giàu cũng khóc"
Không chỉ bỗng dưng mất đất, khổ sở vì không có giấy chủ quyền… mà nhiều cư dân Phú Mỹ Hưng “xui xẻo” còn gặp lắm cảnh dở khóc dở cười khi chuyển đến sống ở khu đô thị văn minh, hiện đại này.
Ngồi trong nhà, bất chợt… trời mưa
Dù bỗng dưng… mất đất nhưng người dân vẫn còn an ủi là mình không mất tất cả. Vì như một vị lãnh đạo công ty Phú Mỹ Hưng (PMH) nói thì họ vẫn có quyền làm chủ cái “tổ hợp gạch - đá - xi măng” trong vòng 50 năm. Thế nhưng, cũng có khá nhiều khách hàng chưa hết “méo mặt” vì bỗng dưng mất đất đã phải “nghệt mặt” ra vì cái “tổ hợp” trên quá kém chất lượng.
Đơn cử như trường hợp bà K.A ở khu Hưng Vượng. Cả gia đình bỏ ra gần 4 tỷ đồng mua căn hộ gắn mác cao cấp ở đây. Vừa chuyển bố chồng về ở căn phòng lớn nhất trong hộ được vài ngày thì bất chợt thấy… trời mưa lâm thâm trên đầu dù họ đang ở 1 tầng lầu lưng chừng của cao ốc.
Tìm hiểu kỹ thì bà mới “tá hỏa” ra vì trên đầu phòng ngủ nhà mình có đến 2 cái tolet của căn hộ lầu trên chỉa xuống. Do thi công quá kém nên nước nhà vệ sinh bên trên thấm xuống nhà bà.
Sau nhiều lần phản ánh, khiếu nại PMH cũng cử người xuống sửa sang cho bà. Nhưng sửa đi sửa lại nhiều lần mà thấm vẫn hoàn thấm, lâu lâu mưa trên trần nhà vẫn cứ rơi rơi…
Việc sửa chữa thường xuyên trong nhà quá ồn ào nên bà K.A phải chuyển bố chồng già yếu, bệnh tật ra ngoài ở, vợ chồng bà lục đục vì quyết định mua nhà này… Trong 2 năm trời mua căn hộ này, phiền phức này kéo theo phiến phức khác khiến bà hết chịu nổi, khiếu nại đòi PMH đổi căn khác cho bà. Nhưng PMH dứt khoát từ chối với lý do: căn hộ đã hết hạn bảo hành, PMH đã hết trách nhiệm.
Quá bức xúc, bà K.A phải đưa câu chuyện này ra tòa. Nhưng có lẽ bà phải mất thêm nhiều năm đeo đuổi vụ kiện tụng này ở pháp đình.
Khi chủ, khách kéo nhau "đáo tụng đình"
Không phải đến những năm 2008 – 2009 ở TPHCM mới bắt đầu nóng chuyện diện tích chung riêng của chung cư. Ngay từ năm 2003, khách hàng ở PMH đã làm um xùm vụ diện tích sử dụng chung – riêng. Không phải họ giành diện tích sử dụng chung, mà họ ngỡ ngàng vì PMH đem diện tích chung ra bán luôn cho họ.
Trong năm 2003, rất nhiều khách hàng đã vác đơn khiếu nại đến nhiều báo để phản ánh tình trạng diện tích nhà thực tế họ nhận thấp hơn diện tích họ đã mua theo hợp đồng. Có người mua căn hộ 80m2 thì nhà thực tế chỉ là 69m2, người mua 96m2 thì thực tế chỉ là 83m2…
Khi họ khiếu nại thì được̀ PMH giải thích: phần còn lại là diện tích sử dụng chung như: chỗ đậu xe, diện tích công cộng… Và người dân vẫn phải trả tiền cho diện tích này mặc dù nó được… sử dụng chung. Còn trong sổ hồng của khách hàng cũng ghi rõ là diện tích đất thì sử dụng chung, diện tích riêng không có nhưng khi khi đóng tiền sử dụng đất thì người dân phải đóng 100% tiền sử dụng đất.
Trường hợp của chị T.Trang càng thê thảm hơn nhiều. Từ năm 2000, chị T.Trang thoả thuận mua 1 căn biệt thự tại PMH với giá 152.000 USD, đã đặt cọc và nộp 17.500 USD. Nhưng sang năm sau thì PMH ra thông báo bán căn nhà này cho người khác. Bức xúc, chị đâm đơn lên toà kiện PMH.
Kiện tụng suốt 2 năm trời, đến năm 2003 thì toà tuyên PMH thắng. Đơn giản vì trong hợp đồng đặt cọc mua bán nhà với chị T.Trang, PMH đã gài một “thế” rất độc: đưa người không có thẩm quyền ra ký hợp đồng giao dịch với khách hàng. Khi toà xử thì hợp đồng này vô hiệu, chị được... trả lại tiền cọc. Quan trọng là, cái vốn đặt cọc của chị T.Trang đã bị PMH chiếm dụng suốt mấy năm trời.
Đây chỉ là những câu chuyện cũ, xảy ra từ năm 2003 nhưng nó thể hiện rõ cái “khé́o” của chủ đầu tư là Cty PMH trong việc bán nhà cho khách hàng. Với những thủ thuật cao tay trong hợp đồng, dù khách hàng “cương” cỡ nào thì PMH cũng “dẹp” được. Bởi thế mới có chuyện PMH kinh doanh hơn 10 năm nay tại khu đô thị này và liên tiếp dính vào chuyện nại thưa nhưng chưa khách hàng nào thắng được vị chủ đầu tư cao tay.
(Theo Dân Trí)