Trong số đơn thư khiếu nại gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, 70% liên quan tới đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là những bất cập giữa quy định của pháp luật với thực tế, nhất là về giá đất với việc áp dụng trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Hai giá đất - nhiều rắc rối
Một trong những bất cập gây khiếu kiện đông người kéo dài là việc tồn tại hai giá đất, giá do tỉnh, thành phố ban hành mỗi năm và giá thực tế. Sự chênh lệch quá lớn giữa hai loại giá này đã gây ra nhiều rắc rối. Khi còn là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Đặng Hùng Võ từng nói, còn tồn tại hai giá đất là còn gây ra nhiều vấn đề. Muốn giải quyết chỉ còn cách là để thị trường tự điều tiết, giá ảo trên thị trường xích lại gần với giá đất quy định và giá quy định sát với giá thị trường.
Việc tồn tại hai giá đất dẫn đến hàng loạt rắc rối. Doanh nghiệp khi thuê đất hay lập dự án thì muốn tính theo giá đất được quy định mỗi năm, bởi giá này thường thấp hơn so với giá thực tế. Trong khi đó, người dân khi bị thu hồi đất, lại muốn đền bù theo giá thị trường. Rõ ràng đòi hỏi của người dân cũng có lý, dù vài người đòi hỏi quá cao. Thế nhưng, những quy định của Nhà nước trong đền bù, giải phóng mặt bằng không thể thỏa mãn những đòi hỏi của người dân.
Kể từ khi Chính phủ yêu cầu các địa phương phải điều chỉnh và công bố giá đất mỗi năm một lần, vấn đề một dự án, hai giá đất đã nảy sinh. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn cho rằng, nguyên nhân là các dự án lớn tại Hà Nội thường kéo dài trong nhiều năm, thậm chí còn “vắt qua” nhiều nghị định, nhiều văn bản pháp lý của nhà nước. Tại nhiều dự án, những người tích cực và tuân thủ luật pháp đến nhận tiền đền bù trước lại bị thiệt, trong khi những ai chây ỳ và được đền bù sau lại được lợi bởi có khi chênh đến vài trăm triệu đồng. Sự bất hợp lý này đã gây ra tình trạng khiếu kiện phức tạp dài ngày.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Mai Ái Trực, từng công nhận, trong khi hoàn thiện luật pháp, chính sách, thì lúc này lúc khác, sẽ có người hoặc một nhóm nhỏ bị thiệt. Đây là điều không thể tránh khỏi, bởi không có một quy định nào có thể tạo được sự công bằng tuyệt đối ngay lập tức tới tất cả mọi người.
Đất giáp ranh... tranh cãi dài ngày
Tại các quận, huyện có dự án nằm trên vùng đất nông nghiệp giáp ranh, người dân thuộc diện bị thu hồi đất thường không phản đối, khiếu kiện về dự án. Khiếu kiện phức tạp kéo dài chỉ xuất hiện khi bồi thường. Đa số thắc mắc của người dân nằm trong ba vấn đề. Thứ nhất, tại sao cùng một dự án nhưng lại có hai mức giá bồi thường khác nhau. Thứ hai, vì sao được liệt vào danh sách xã giáp ranh nhưng không được bồi thường (đối với đất nông nghiệp) theo giá đất khu vực giáp ranh. Thứ ba, cũng là vấn đề phổ biến, tại sao chỉ cách nhau một bờ ruộng nhưng một bên được bồi thường gần gấp ba lần bên kia.
Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền các quận, huyện có những vụ khiếu kiện ấy luôn khẳng định rằng, mọi việc đều được làm theo đúng các quy định của Nhà nước, thậm chí còn vận dụng tối đa theo hướng có lợi nhất cho người dân. Một điều hiển nhiên là họ không bao giờ dám vượt qua những quy định của pháp luật trong đền bù, giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn Hà Nội phải được thực hiện theo ba văn bản pháp lý chính là nghị định 197/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, quyết định số 26/QĐ-UB và quyết định số 242/QĐ-UB của UBND TP. Theo quy định trong các văn bản này, khi bồi thường đất nông nghiệp tại các xã giáp ranh, giá đất để tính bồi thường là giá quy định tại bảng 1, quyết định số 242/QĐ-UB. Theo đó, giá đất nông nghiệp (tại các xã giáp ranh) để tính bồi thường là giá hạng 1 của xã đồng bằng. Việc định ra các xã giáp ranh để khi tính giá đất ở, sẽ không có sự chênh lệch quá lớn, chứ không phải để tính giá bồi thường cho đất nông nghiệp.
Cũng theo những văn bản này, giá đất nông nghiệp tại các quận nội thành được xác định bằng 2 lần giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm có cùng hạng đất. Theo cách tính này, giá đất nông nghiệp các quận cao gần gấp 3 lần giá đất nông nghiệp ở ngoại thành. Bất cập này đã làm cho nhiều dự án nằm trên địa bàn giáp ranh nội thành và ngoại thành chỉ cách nhau có... vài chục cm nhưng giá đền bù lại vênh nhau.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng, pháp luật được xây dựng để phục vụ nhân dân nên nếu còn điểm nào bất cập, chưa phù hợp thì cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, bảo đảm sự hài hòa lợi ích của cả cộng đồng.
(Theo Hà Nội Mới)