Thủ tướng vừa phê duyệt đề án Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Nam Định trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Quy mô dân số thành phố Nam Định năm 2005 là 241.100 người, đến năm 2010 sẽ là 511.000 người, sau năm 2020 là 955.000 người.
Năm 2010, diện tích đất của thành phố vào khoảng 21.406 ha; năm 2020 đạt 45.127 ha.
Kinh tế thành phố sẽ đi theo hướng xây dựng, mở rộng nhà máy chế biến hoa quả, nước giải khát, chế biến thịt, chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu; phát triển ngành cơ khí đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thuỷ, lắp ráp ô tô, xe máy, cơ khí nông nghiệp, cơ khí sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí dệt.
Thành phố sẽ xây dựng các khách sạn đạt tiêu chuẩn cao cấp, các khu vui chơi giải trí để phát triển thành trung tâm du lịch văn hoá của vùng.
Tổ chức không gian
Dự kiến đến năm 2020, Thành phố được chia thành 4 khu chức năng, gồm khu vực trung tâm (khu các phố cũ) là nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa của Tỉnh và Thành phố.
Khu phát triển mở rộng về phía Bắc: xây dựng một số công trình có quy mô, tính chất Vùng như: công viên văn hóa - du lịch Tức Mạc, làng cổ Tức Mạc, Khu di tích đền Trần, Chùa Tháp, Khu liên hợp thể dục - thể thao, khu các trường đại học - trung học chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học, các bệnh viện...
Khu phát triển mở rộng về phía Tây và Tây Nam: bố trí các khu công nghiệp tập trung, kho bãi, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt.
Khu phát triển mở rộng về phía Nam sông Đào: cải tạo, xây dựng các khu dân cư, làng xóm cũ thành một quần thể làng sinh thái. Trồng hoa, cây cảnh với xây dựng mô hình làng sinh thái. Vùng đất phía Tây gần sông Đào dự phòng để phát triển công nghiệp.
Trong giai đoạn I thành phố sẽ tập trung phát triển 7 khu đô thị mới đã được phê duyệt và chỉnh trang, cải tạo các khu đô thị cũ; giai đoạn II phát triển đô thị về phía Nam sông Đào; giai đoạn III tiếp tục mở rộng phát triển đô thị về phía Nam sông Đào và phía Tây - Tây Nam Thành phố.
Việt Phong