Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi làm việc với tư vấn, đại diện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ngày 19/9. Trước đó, việc nên chọn đầu tư nút giao nào trong số các vị trí Thanh Xuân, Trung Hòa, Lê Văn Lương, Mai Dịch sử dụng vốn dư của đường Vành đai 3 giai đoạn 2 nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận cả nước.
Chọn Thanh Xuân hay Trung Hòa?
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI, qua khảo sát, với lưu lượng phương tiện lưu thông hiện tại, nút giao Thanh Xuân sẽ mãn tải vào 2015, Mai Dịch là 2020, còn 2 nút giao Trung Hòa và Lê Văn Lương sẽ vào khoảng 2025. Chính vì vậy, việc đầu tư hầm chui Thanh Xuân là cần thiết và hoàn thành vào 2015 là thích hợp.
Ông Sơn cũng cho biết, chiều dài hầm sẽ là 714m. Trong đó có 109m hầm kín, 360m hầm hở và 250m tường chắn. Tổng mức đầu tư dự kiến 585 tỷ đồng. Xung quanh việc chọn xây dựng nút giao Thanh Xuân hay đầu tư nút giao khác trước, nhận được nhiều ý kiến của lãnh đạo Bộ GTVT và các chuyên gia trong và ngoài ngành GTVT. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, thành phố Hà Nội cũng đồng tình cao trong việc xây dựng hầm chui tại nút giao Thanh Xuân. Tuy nhiên, thời gian qua, do nguồn vốn dành cho XDCB giao thông khó khăn, nhiều dự án thiếu vốn nên Bộ GTVT có chủ trương xem xét lại thời điểm đầu tư hầm chui này cho thích hợp nên chưa triển khai được.
Còn theo Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, đầu tư nút giao Thanh Xuân là cần thiết, tuy nhiên thời điểm nên lùi lại sau 2020, bởi sắp tới sẽ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác, chia sẻ bớt lưu lượng phương tiện cho đường bộ. Trước mắt, nên dành vốn để đầu tư nút giao Trung Hòa để khai thác nhiều tuyến giao thông hướng ngoại sau này như: đường vành đai 4, 5, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến quốc lộ khác. Hơn nữa, nếu không đầu tư ngay thì Trung Hòa sẽ là điểm nghẽn và không khai thác hết hiệu quả của Đại lộ Thăng Long đã đầu tư.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nút giao Thanh Xuân chủ yếu phục vụ nội đô, hiện nhiều tuyến có thể chia sẻ lưu lượng. Còn Trung Hòa nối với trục Láng - Hòa Lạc là nút giao hướng ngoại chạy suốt, rất cần đầu tư sớm để phát huy hiệu quả nhiều tuyến quốc lộ và phát triển KT-XH.
Xem xét đầu tư cả 2
Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, đại diện chủ đầu tư Dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2 cho biết, hiện vốn dư của đường Vành đai 3 còn khoảng 2.100 tỷ đồng. Trừ khoảng 100 tỷ đồng sẽ dành cho tư vấn lập dự án đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sắp tới thì còn lại 2.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, JICA chỉ đồng ý sử dụng vốn dư này để đầu tư các công trình có liên quan đến đường Vành đai 3.
Ông Hòa cũng cho biết thêm, với số tiền này thì có thể thu xếp đầu tư cả hai nút giao cùng lúc, bởi hầm chui Thanh Xuân chỉ hơn 500 tỷ đồng, còn lại sẽ lập dự án đầu tư và triển khai xây dựng nút giao Trung Hòa. Việc này là hợp lý bởi cả hai đều nằm trong đường Vành đai 3 giai đoạn 2 và dễ thuyết phục JICA chấp thuận. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông hiện tại là rất lớn. Tuy nhiên, trong lúc nguồn lực có hạn thì việc xem xét cái gì cấp thiết đầu tư trước, công trình nào kém bức thiết hơn đầu tư sau là việc làm hết sức đúng đắn. Cả Thanh Xuân và Trung Hòa đều rất quan trọng, nếu nguồn vốn dư của đường Vành đai 3 giai đoạn 2 đủ để xây dựng cả 2 nút giao này thì có thể xem xét làm cả hai cùng lúc.
“Các đơn vị liên quan làm việc ngay với JICA và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để đầu tư hầm chui tại cả hai nút giao Thanh Xuân và Trung Hòa để giải quyết ùn tắc, TNGT và phục vụ phát triển KT-XH của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc. Cách làm là nên chỉ định thầu cho các đơn vị đã thi công ở Dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2, bởi các nhà thầu này đã triển khai rất hiệu quả, rút ngắn được đáng kể tiến độ công trình. Việc làm này sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian đấu thầu và thi công, cố gắng cả 2 công trình hầm chui Thanh Xuân và Trung Hòa chỉ thi công gói gọn trong vòng 1 năm”- Bộ trưởng yêu cầu.
Theo GTVT
.
Ý kiến của bạn