Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Phạm Khôi Nguyên, cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận là mục tiêu chính để Nhà nước quản lý đất đai, vì vậy không nên thu nhiều tiền của người sử dụng đất khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Theo đó, Bộ kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai theo hướng giảm mức thuế chuyển quyền sử dụng đất (4%), thay thế thuế chuyển quyền bằng thuế thu nhập cá nhân; bỏ hoặc điều chỉnh các khoản lệ phí liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho phù hợp với thực tế; cụ thể hóa trình tự thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận tại các địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Quốc hội thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận bao gồm quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng); thống nhất quy trình thực hiện việc đăng ký đất đai, đăng ký tài sản hình thành từ sử dụng đất trên nguyên tắc thống nhất đầu mối quản lý đăng ký, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất.
Theo kế hoạch của Chính phủ, đầu năm 2009 sẽ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo hướng khắc phục những bất cập, chồng chéo, không thống nhất giữa luật này với các luật liên quan để làm cơ sở thống nhất về quản lý đất đai. Luật Đăng ký bất động sản cũng sẽ được ban hành nhằm thống nhất hệ thống đăng ký bất động sản, giảm phiền hà cho người sử dụng đất.
Giải thích cho tình trạng này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng hệ thống pháp luật còn một số điểm bất cập. Cụ thể, lệ phí trước bạ và thuế suất chuyển quyền cao khiến nhiều người không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, không thực hiện thủ tục chuyển nhượng qua cơ quan Nhà nước mà chủ yếu thực hiện bằng hình thức trao tay. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận theo Luật Nhà ở tức là "sổ hồng" và việc chậm ban hành Luật Đăng ký bất động sản đã làm cho việc quản lý đối với đất bị phân tán, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính minh bạch thông tin về bất động sản.
Đến ngày 30/9, cả nước đã cấp giấy chứng nhận đạt 82,1% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; 76,5% diện tích đất ở nông thôn và 62,2% diện tích đất ở đô thị.
(Theo Thanh Niên)