SearchNews

Sông, biển “nuốt” nhà dân

13/12/2011 13:54

Hàng trăm ngôi nhà ở Phú Yên đã bị nước biển cuốn trôi. Sông Vệ ở Quảng Ngãi cũng tàn phá hàng loạt xóm làng ven bờ

Hàng trăm ngôi nhà ở Phú Yên đã bị nước biển cuốn trôi. Sông Vệ ở Quảng Ngãi cũng tàn phá hàng loạt xóm làng ven bờ


Liên tục nhiều ngày qua, triều cường đã tấn công vào các làng ven biển thuộc huyện Tuy An và TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, buộc hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dùng bao cát làm đê tạm chắn sóng, cố giữ hàng trăm nhà dân có nguy cơ bị biển “nuốt chửng”.

Làng xóm ngày càng thưa thớt

Đêm 11-12, triều cường và sóng cao tấn công dữ dội xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa). Những đợt sóng cao khoảng 6m băng qua bãi biển gần 20m, phá vỡ một đoạn đê bao tạm, ập thẳng vào nhà dân. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh túc trực suốt đêm để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trước đó, đêm 10-12, triều cường đã đánh sập 2 ngôi nhà của bà Ngô Thị Dẹp và ông Võ Thành Đông ở xóm này. “Khi sóng ào vào, tôi lật đật đưa vợ con đến nhà mẹ trú tạm. Sáng ra thì ngôi nhà đã bị sóng cuốn mất” - ông Đông nghẹn ngào kể. Còn nhà bà Dẹp, biển cuốn mất, không còn chỗ để bàn thờ của chồng bà vừa mất.

Mười năm qua, xóm Rớ liên tục bị triều cường uy hiếp nặng nề, ít nhất 2 đợt mỗi năm. Ông Phạm Lỡ (80 tuổi) cho biết trước đây mép nước biển cách khu nhà dân đến hơn 300 m, nay triều cường xâm thực sâu vào hơn 50 m, “dọn” nguyên một dãy nhà.

Làng An Vũ thuộc thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, hai ngày qua cũng phải “gồng mình” chống chọi với triều cường. Sóng cuốn trôi một đoạn kè dân sinh dài gần 100 m, phá hủy tuyến đường vào thôn. Xóm An Vũ trước đây có hơn 400 hộ, giờ chỉ còn 120 hộ, số còn lại đã bị mất nhà vì triều cường.

Làng du lịch Long Thủy thuộc xã An Phú và bến cá phường 6, TP Tuy Hòa cũng có nguy cơ bị xóa sổ vì bị triều cường và sóng cao tấn công trong những ngày qua.

Còn tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi, hàng chục hộ dân cũng nơm nớp lo sợ không biết nhà mình bị cuốn trôi lúc nào. Ông Lê Văn Chương, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Cường, xã An Hải, cho biết hàng trăm ngôi nhà đang nguy cấp, biển “ăn” sâu vào đất liền hàng chục mét từ vài ngày qua.

Tại mép biển, ngôi nhà của ông Võ Hồng Khanh nằm chỏng chơ, chỉ còn bốn bức tường trống hoác. Cả căn nhà đã bị biển “nuốt” từ đêm 11-12. Mất nhà, ông Khanh cùng vợ và ba con thơ được bà con hàng xóm dựng cho một túp lều ở tạm cạnh ngôi nhà đã mất.

Ông Nguyễn Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết đến thời điểm này có 48 ngôi nhà đang có nguy cơ bị sóng đánh sập. “Ngoài những ngôi nhà này thì trên địa bàn xã có ít nhất 200 ngôi nhà khác cũng không còn an toàn trước sóng biển. Chúng tôi đang tính đến phương án di dời dân đến nơi ở mới tạm thời trong thời gian tới”.

Nơm nớp lo sợ

Tại Quảng Ngãi, mùa mưa lũ vừa đi qua cũng là lúc hàng trăm hecta đất nông nghiệp, đất thổ cư dọc theo sông Vệ và sông Trà Khúc bị sông cuốn trôi. Những ngôi nhà nằm chênh vênh trên mép sông chưa biết đổ sập bất cứ lúc nào…

Những ngày này, hơn 250 hộ dân sống dọc theo phía bờ Bắc sông Vệ đoạn qua xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành - Quảng Ngãi nơm nớp lo sợ. Đêm đêm, từ bờ sông vọng vào tiếng đất đổ ầm ầm.

Ông Nguyễn Đức Thọ (71 tuổi, đội 1, thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) cho biết trước đây, sông nằm cách nhà ông gần 100 m, bây giờ nước sắp “liếm” móng nhà rồi. Không biết mùa mưa sang năm căn nhà có còn nữa không.

“Hồi trước, con sông Vệ chỉ rộng chừng 100 m, từ ngày mưa lũ thất thường, lòng sông cứ rộng ra. Sông càng rộng thì nỗi lo càng lớn” – ông Võ Công Thành, Chủ tịch UBND xã Hành Phước, nói.

Tuyến đường ĐH 53 liên huyện cũng đang trong tình trạng chực chờ bị sông cuốn. Tại một số đoạn sông Vệ chỉ còn cách đường chưa đầy 5 m. Tại xã Hành Tín Tây, tình trạng cũng chẳng khá hơn là bao khi mùa lũ đã qua, ruộng vườn lại muốn trôi theo sông.

Còn trên sông Trà Khúc chảy qua địa bàn hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, sạt lở đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hàng ngàn hộ dân sống dọc theo con sông lớn nhất tỉnh này.

Nặng nhất là đoạn bờ kè sông Trà Khúc qua xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh dài khoảng 100 m được thi công kè bê tông kiên cố bị mưa lũ cuốn trôi lấn vào khu dân cư và sụt lún sâu tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm.

Dự án trên giấy

Phú Yên hiện có trên 10 dự án đê kè chống sạt lở và triều cường xâm thực nhưng phần lớn vẫn nằm trên... giấy. Riêng huyện Tuy An đã có 4 dự án được phê duyệt với kinh phí hơn 150 tỉ đồng nhưng như người dân bảo “vẫn chưa thấy đâu”. “Các dự án đều do bộ, tỉnh làm chủ đầu tư, huyện có nóng ruột cũng không được” - ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, nói.

Dự án kè biển An Ninh Đông dài hơn 1,5 km bảo vệ xóm An Vũ, từng được tỉnh Phú Yên lên kế hoạch xây dựng từ 7 năm trước, hiện vẫn chưa triển khai. “Nhà dân cứ mất dần, địa phương đau lòng lắm nhưng không biết làm gì hơn” - ông Ngoạn chua xót.

Hiện nay, biển đã xâm thực sát chân tường dãy nhà cuối cùng của xóm An Vũ. Cố níu giữ gia sản một đời chắt chiu, các hộ dân ở đây phải chi 3-4 triệu đồng mỗi năm để chở đá tảng về xây kè.

Tại xóm Rớ, ngay trong chuyến thị sát triều cường xâm thực đêm 11-12, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đã có phương án xây kè ở đây nhưng vì kinh phí quá lớn nên chưa thể thực hiện. Theo ông Hồ Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, địa phương đang hỗ trợ tái định cư cho số nhà dân bị sập, mỗi hộ được cấp một lô đất 60 m2 và 11 triệu đồng.


Bài viết được bạn đọc quan tâm:

> Vụ lật xe gỗ lậu, lộ diện danh tính 5 kiểm lâm
Đến lượt xe SH bốc cháy trên đường Kim Mã (video)
Bắc Ninh: Cháy nhà máy nhựa, hàng nghìn công nhân hoảng loạn
Vụ cháy cửa hàng gas: Thảm cảnh là do sự bất cẩn
Hố tử thần lại hiện diện khắp các đô thị
TP.HCM: Xe “điên” gây tai nạn kinh hoàng giữa trung tâm thành phố



(Theo Người Lao Động)




Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu