Khi những tuyến đường mới ngày càng nhiều, việc quy hoạch chưa được thực hiện triệt để, thì các ngôi nhà có hình thù không giống ai mọc lên ùn ùn là không thể tránh khỏi. Cuộc sống trong những ngôi nhà đó cũng muôn hình muôn vẻ.
Những ngôi nhà mỏng tại Hà Nội tập trung hầu hết ở các khu vực vừa giải phóng mặt bằng như Ngã Tư Sở, Kim Liên - Ô chợ Dừa, Văn Cao (Liễu Giai kéo dài), Đào Tấn, Giang Văn Minh... Người dân chủ yếu sử dụng những ngôi nhà này vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Nhưng có một số ít cố bám trụ nhằm giữ chỗ.
Đầu năm 2003, khi phố Đào Tấn được mở để nối liền giao thông giữa Kim Mã và Cầu Giấy, thì những ngôi nhà này siêu mỏng tại đây đã mọc lên và là một trong những khu phố đầu tiên ở Hà Nội có kiểu kiến trúc đặc biệt này. Hiện nay, dãy nhà này vẫn là một... điểm nhấn cho phố Đào Tấn. Khoảng hơn 10 ngôi nhà sau gần 4 năm tồn tại, hầu hết vẫn cửa đóng then gài. Sơn vôi đã bắt đầu tróc, rêu bám đầy tường, song sắt cửa sổ và lan can hoen gỉ.
Cùng số 80 có tới 3 ngôi nhà liên tiếp, mặt tiền trên dưới 10 m, của cùng một gia đình có ba thế hệ, gồm 5 thành viên. Đây là ba căn nhà mỏng nhất trong dãy, nơi sâu "lý tưởng" là 8 m, còn phần mỏng nhất chỉ chưa đến 2 m. Không tự kinh doanh, cũng chẳng cho thuê, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Tất cả các tầng dưới hoàn toàn không sinh hoạt gì, chỉ như một nhà kho chứa xe cộ, các đồ lặt vặt hoặc làm khoảng lưu thông. Còn các tầng trên, đồ đạc chỉ là những thứ thiết yếu nhất và hầu hết là đồ cũ, tạm bợ. Theo lời kể của chủ nhà thì "mỗi người ở hai tầng, coi như hai phòng vì mỗi phòng cũng chỉ có diện tích dưới 20 m2, chưa tính công trình phụ. Do ông cụ "cao nhất" trong nhà vẫn còn sống nên không cho phép bất kỳ ai sử dụng nhà vào mục đích kinh doanh".
Trái lại, căn nhà tam giác ở số 18 đường Nguyễn Trãi tồn tại chỉ vì "miếng cơm manh áo". Từ diện tích hơn 20 m2, sau giải phóng mặt bằng, nơi đây còn lại một "mẩu" đất có diện tích chỉ hơn 4 m2, cạnh dài nhất 3,2 m, nhưng rất "quý" vì có tới hai mặt tiền. Được đền bù căn hộ chung cư tại Trung Hòa - Nhân Chính nhưng chủ nhà vẫn quyết tâm bám trụ nơi đây với mục đích kinh doanh để nuôi cả gia đình. Những sạp hàng phải kê ra đường, phần trong nhà chỉ đủ làm chỗ ngồi nghỉ. Tầng 2, 3 chồng lên và nhô ra làm kho chứa đồ. Mặt bằng không thể kê nổi một chiếc giường nhỏ nên chỉ có cách nằm thẳng xuống đất mà "hai người nằm là chật rồi, chẳng còn chỗ xoay sở nữa. Đấy chỉ là nghỉ trưa thôi chứ ở hẳn đây thì khổ chết à", chị chủ nhà nói.
Hiện tượng những ngôi nhà mỏng như thế này là tất yếu với những đô thị đã tồn tại lâu đời như Hà Nội. "Dưới góc độ quy hoạch, sự hoàn thiện của một khu phố còn phải bàn tới những vấn đề xã hội. Về chức năng, những ngôi nhà này nếu để ở sẽ có ảnh hưởng không tốt tới người cư ngụ và thậm chí cả hàng xóm xung quanh. Thế nhưng, nếu để kinh doanh có thể sẽ không khó khăn gì. Vì thế, các căn nhà này vẫn có lý do để tồn tại và mang lại hiệu quả về kinh tế và xã hội. Thế nhưng, quy hoạch ngày nay phải đạt yêu cầu về tính bền vững chứ không thể áp đặt hoặc có tính nhỏ lẻ như trước được. Cần có phương án cải tạo hợp lý với những ngôi nhà này. Bất kỳ công trình nào cũng có thể làm đẹp nếu có giải pháp tốt", kiến trúc sư quy hoạch Nguyễn Huy Tùng, Bộ Xây dựng, khẳng định.
Linh Hương