Vấn đề sở hữu đất đai như thế nào: sở hữu toàn dân hay sở hữu Nhà nước; có công nhận sở hữu tư nhân hay không... là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý sôi nổi của các chuyên gia, luật sư tại hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Đất đai 2003 và Luật Kinh doanh bất động sản do VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 21-9. Để giải quyết những bức xúc liên quan đến đất đai hiện nay, hầu hết các ý kiến cho rằng phải sửa Luật Đất đai từ gốc vấn đề sở hữu. Đó là phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai và hướng đến đa dạng hóa sở hữu đất đai.
Quá nhiều vấn đề bức xúc
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Quang và cộng sự, sau nhiều năm thực hiện Luật Đất đai đã nổi lên nhiều vấn đề mà ai cũng có thể nhìn thấy. Đó là tình trạng giá cả đất đai tăng chóng mặt và không bình thường. Quan hệ cung cầu về nhà ở tiếp tục mất cân đối khi thực tế nhà nhiều nhưng người dân không có tiền mua và nhà để trống trong khi người dân vẫn cứ thiếu chỗ ở. Vốn đầu tư của xã hội tập trung một cách mất cân đối vào khu vực bất động sản. Giảm quá nhiều đất nông nghiệp và đất trồng lúa đồng thời với việc nông dân mất ruộng và bỏ ruộng. Tranh chấp và khiếu kiện về đất đai bùng nổ. Một tầng lớp đại gia hình thành từ đầu cơ, kinh doanh bất động sản do trục lợi từ cơ chế chính sách, góp phần làm rộng hơn khoảng cách giàu nghèo...
Luật sư Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải, cũng liệt kê 21 vấn đề gây nhiều bức xúc oái oăm, rắc rối nhất cho cuộc sống và sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực đất đai mà luật chưa giải quyết được.
Xét về mặt chính sách, luật sư Lập cho rằng chính sách đất đai hiện nay vẫn nặng nề kiểm soát trong khi không kiểm soát được, thậm chí không có định hướng, mục tiêu rõ ràng trong kiểm soát. “Chúng ta muốn kiểm soát toàn diện về đất đai từ quy hoạch, cấp đất, sử dụng đất, thu hồi đất đến giá cả thị trường và quyền kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy hoạch phải sửa đổi thường xuyên, cấp đất tràn lan, thu hồi đất không bồi thường thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện, giá cả tăng và nhiều biến động...” - ông Lập nói.
Đi vào cốt lõi về sở hữu đất đai
Phân tích về vấn đề sở hữu đất đai, đại diện nhóm nghiên cứu, TS Trần Quang Huy, Trưởng bộ môn Đất đai (khoa Pháp luật kinh tế ĐH Luật Hà Nội), cho rằng cần làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân” vì khái niệm này trừu tượng, không có chủ thể thực. Có thể nên nghiên cứu bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân”, thay bằng “sở hữu Nhà nước”.
Tuy nhiên, luật sư Đức cho rằng báo cáo rà soát Luật Đất đai dường như vẫn chưa đi vào cốt lõi của vấn đề, chưa công phá những tảng bê tông đang chèn ép, đè nén, bóp méo và vô hiệu hóa Luật Đất đai. “Thực ra, sở hữu “toàn dân” hay “Nhà nước” thì cũng vẫn chỉ là sách vở, chẳng có gì thay đổi cả. Trong khi lý luận và thực tế cuộc sống đòi hỏi công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Nếu không thừa nhận vấn đề gốc rễ căn bản đó thì dù có sửa Luật Đất đai bao nhiêu lần nữa cũng vẫn không thoát khỏi tù mù, nhập nhằng, bất cập. Sửa đổi Luật Đất đai mà không sửa được cơ bản về quyền sở hữu đất thì hãy kết thúc vấn đề cho khỏi tổn công, phí sức” - ông Đức bức xúc.
Luật sư Lập cũng cho rằng việc rà soát Luật Đất đai cần mạnh dạn đụng chạm vào những vấn đề cốt lõi, bao gồm cả cách tiếp cận vấn đề theo hướng bản chất. Đặc biệt, sửa Luật Đất đai phải đặt trong bối cảnh nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hơn là chỉ đi vào lối cũ sửa luật để gỡ vướng mắc cụ thể và đơn lẻ nảy sinh từ thực tế rồi cứ như vậy mãi.
Xóa bỏ trạng thái vô chủ
“Sở hữu toàn dân hay trạng thái vô chủ về đất đai đã vô tình tạo điều kiện cho sự lạm dụng tràn lan trong việc sử dụng quỹ đất cho lợi ích của các nhóm tư nhân hơn là lợi ích của toàn dân. Thay cho sở hữu toàn dân về đất đai sẽ là sự đa dạng hóa sở hữu đất đai như: sở hữu quốc gia do trung ương quản lý, sở hữu của chính quyền địa phương, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu của pháp nhân và sở hữu của cá nhân” - luật sư Lập đề xuất.
Đồng tình với đề xuất này, luật sư Đỗ Trọng Hải, Công ty Luật Bizlink, nhấn mạnh: “Đã đến lúc xem xét lại vấn đề sở hữu đất đai theo hướng đa dạng hóa sở hữu. Hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Có đa dạng hóa sở hữu thì mới tránh được những xáo trộn hiện nay và hợp với thông lệ quốc tế. Cho dù có là sở hữu gì, khi đụng đến những vấn đề về an ninh quốc gia thì Nhà nước vẫn đương nhiên được quyền quyết định”.
Chẳng có nước nào như mình
Điều 23 Hiến pháp 1992 quy định “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”, trong khi Điều 38 Luật Đất đai ngoài quy định đó còn bổ sung thêm “lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”! Vậy luật có quyền quy định như thế không, có vi hiến không?
Tôi chưa thấy một quốc gia nào đưa phát triển kinh tế vào mục đích thu hồi đất. Dù rằng Điều 40 Luật Đất đai xác định mục đích phát triển kinh tế chỉ là “xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ” thì vẫn là không nên. Người dân có quyền hỏi: Thế thu hồi đất nông nghiệp để cấp cho dự án sân golf thì vì mục đích cao cả nào vậy?
Vì mở rộng tràn lan phạm vi thu hồi đất ra quá tầm kiểm soát như vậy nên không có gì lạ khi thu hồi đất đã trở thành tiêu điểm của phần lớn bất ổn xã hội và cũng là cơ hội tham nhũng cho một số quan chức.
Tôi đề nghị phải thi hành đúng hiến pháp, nếu muốn thì có thể thay lợi ích quốc gia thành lợi ích công cộng như thông lệ các nước, vì đã là lợi ích công cộng thì đã bao hàm lợi ích quốc gia rồi!
TS PHẠM SỸ LIÊM, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Quá nhiều cái nhất kinh khủng
Tại hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải, chỉ ra bảy cái nhất kinh khủng trong lĩnh vực đất đai. Đó là: Lãng phí tài nguyên, công của nhiều nhất; lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhiều nhất; giao dịch phi pháp, mập mờ nhiều nhất; kiện cáo nhức nhối, phức tạp nhiều nhất; hậu quả ngang trái, oan sai nhiều nhất; khuyến khích bội tín, lật lọng nhiều nhất; chống lại tử tế, lương thiện nhiều nhất.
Trước đó, tại một hội thảo do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 15-9, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), cũng nhận định: Tổng kết lĩnh vực đất đai ở Việt Nam thời gian qua cho thấy có ba cái nhất. Một là không được lòng dân nhất, hai là có nhiều biểu hiện tiêu cực nhất, ba là thất thoát nhiều nhất.
|
|
(Theo PLTPHCM)