SearchNews

Súyt chết vì... rơi thang máy

14/08/2009 07:36

Cao ốc mới đưa vào sử dụng từ quý I năm 2007 nhưng hàng loạt những sự cố kỹ thuật về hạ tầng đã khiến cho hầu hết những hộ dân nơi đây luôn phải sống trong cảnh bất an.

Cao ốc mới đưa vào sử dụng từ quý I năm 2007 nhưng hàng loạt những sự cố kỹ thuật về hạ tầng đã khiến cho hầu hết những hộ dân nơi đây luôn phải sống trong cảnh bất an.

Vừa qua, sự lo lắng của họ đã trở thành nỗi kinh hoàng khi thang máy của cao ốc này đang đi lên thì bất ngờ rơi xuống tầng hầm, khiến nhiều người suýt... chết. Sự việc diễn ra khá nghiêm trọng nhưng Ban quản lý (BQL) cao ốc và chủ đầu tư vẫn... “lặng thinh”. Đó là những chuyện đáng sợ xảy ra tại cao ốc An Lạc nằm trên đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân do Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn (SaiGonRes) có địa chỉ tại 63 - 65 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh đầu tư, xây dựng.

Một trong những nạn nhân vừa thoát chết trong vụ rơi thang máy ngày 2-8-2009 tại cao ốc An Lạc là ông Tô Ngọc Diệp (SN 1937, quốc tịch Mỹ). Trong ánh mắt bàng hoàng, ông Diệp hồi tưởng lại: “Khoảng 8 giờ 15 ngày 2-8-2009, tôi và các con, cháu (tổng cộng bảy người lớn và một trẻ em 7 tuổi) đến cao ốc An Lạc là nơi con gái tôi - Tô Thị Ngọc Nga (SN 1965, tạm trú tại P. An Lạc, Q. Bình Tân) thuê nhà để dự đám hỏi. Khi vừa vào thang máy bên trái của block B, quan sát rất kỹ tải trọng của thang máy, chịu được 900kg tương đương với 13 người, lúc đó tôi mới yên tâm bấm lên lầu hai để tới phòng B208”.

Ngừng vài giây châm điếu thuốc để lấy lại bình tĩnh, ông Diệp tiếp tục: “Khi thang máy vừa nhảy số từ một sang hai được vài giây thì cũng là lúc nó bắt đầu giở chứng. Ban đầu chỉ là những tiếng kẹt kẹt ngày càng to, rõ và giảm áp suất. Tôi cứ nghĩ sắp lên tới lầu hai, thang giảm tốc độ là chuyện bình thường nên không hề tỏ ra lo lắng. Ngay sau đó, thang giật mạnh rồi dừng hẳn, tôi và mọi người nghĩ đã tới nơi nên ai chuẩn bị ra... nhưng chờ mãi mà không thấy cửa mở. Thời gian trôi qua lâu quá mức bình thường đủ để mọi người hiểu có chuyện chẳng lành xảy ra và bắt đầu mất bình tĩnh, không khí trong thang máy trở nên căng thẳng, nhốn nháo hơn bao giờ hết”.

Cũng theo ông Diệp, tại thời điểm hỗn loạn đó, chỉ còn có một mình ông là bình tĩnh nhất nên ông đã bấm chuông báo động để kêu cứu nhưng chuông không sử dụng được. Ông đành phải lấy điện thoại di động của mình để gọi điện cho con gái (chị Nga) để cầu cứu. 15 phút sống trong hoảng loạn, bế tắc, ông Diệp và người thân chỉ còn biết đập, cạy cửa và kêu la thảm thiết để có người đến tiếp cứu nhưng tất cả những gì họ nhận được chỉ là sự tuyệt vọng. Khi bầu không khí đã bắt đầu ngộp, ngạt thì cũng là lúc chiếc thang máy tử thần nhích nhẹ lên rồi rơi tự do. Nói tới đây, ông Diệp lại lấy thêm một điếu thuốc ra hút (mặc dù chị Nga ngồi đối diện tôi cản lại nhưng không được), ông rít một hơi dài: “Khi vừa cảm nhận được thang máy rơi, tôi chỉ còn biết nhắm mắt, nín thở cầu nguyện. Tích tắc sau đó, tôi mở mắt ra thì đã thấy vợ mình nằm bất tỉnh nhân sự giữa sàn...”.

Chị Tô Thị Ngọc Nga cho biết: “Liên tục nhận được điện thoại của người thân trong thang máy, tôi bủn rủn chân tay, cuống cuồng bỏ cả khách khứa trong nhà gọi điện báo cho bảo vệ cao ốc biết. Sau đó, từ hầm xe có ba người (trong đó có một người tên Tâm - coi xe) chạy lên banh cửa thang máy lầu hai để cứu người thì thấy thang máy chưa lên tới nơi. Họ lại chạy xuống lầu một cạy cửa thì thấy thang đã qua lầu một... Sau khi thang máy rơi, anh Tâm cạy được cửa để chúng tôi đưa người nhà đi cấp cứu thì lúc này tôi mới để ý thấy mặt sàn thang máy lún cách nền tầng hầm khoảng 50cm”.

Tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình (số 929 Trần Hưng Đạo, Q5), bác sĩ Lê Hồng Kỳ điều trị cho bà Châu Thị Ba (vợ ông Diệp, người bị thương nặng nhất trong vụ rơi thang máy) cho biết: “Bệnh nhân Ba nhập viện trong tình trạng khá nặng, gãy kín nát liên lồi cầu xương đùi trái và phải mổ...”. Sau sự việc xảy ra chị Nga đã gặp nhân viên bảo trì của cao ốc để tìm hiểu vì sao chuông báo động trong thang máy không hoạt động, được biết: “Thang máy ở đây không gắn chuông báo động”. Chị Nga bức xúc: “Mẹ tôi tuổi già sức yếu, bị thương rất nặng, quá trình điều trị đã mười ngày, tốn kém rất nhiều tiền của và công sức của cả gia đình... Tới nay, BQL cũng như chủ đầu tư vẫn làm ngơ, không hề có một động thái nào với gia đình chúng tôi”.

Ngày 9-8-2009, chúng tôi đã tới cao ốc An Lạc để làm việc, nhưng BQL không có một bóng người. Ông Đặng Hữu Phước - bảo vệ cao ốc - cho biết: “Thang máy chỉ quy định đi năm người, BQL có báo cho cô Nga biết trước, nhưng hôm xảy ra sự cố nhà cô đi bảy người là quá tải. Hiện tại BQL về hết rồi...”. Khi chúng tôi xuống nhà xe hỏi số điện thoại của thành viên BQL để liên hệ làm việc thì được các nhân viên tại đây cho biết: “Do là ngày nghỉ nên QBL không có ai” và liên tục yêu cầu chúng tôi ra về, hôm khác quay lại làm việc đồng thời từ chối không cho số điện thoại của bất kỳ người nào với lí do “không liên lạc được”. Theo tìm hiểu của chúng tôi tại cao ốc này, trước sự cố ngày 2-8-2009 đã rất nhiều lần thang máy trong cao ốc bị kẹt hoặc không hoạt động.

Tại một cao ốc có cả ngàn nhân khẩu sinh sống, hàng tháng họ đều đóng đầy đủ các khoản phí dịch vụ do BQL đặt ra thế nhưng sản phẩm mà họ phải bỏ bạc tỷ ra mới có được lại không đúng như cam kết trong hợp đồng mua bán đã ký với chủ đầu tư. Đáng nói, sự an nguy, sinh mạng của họ được “giao phó” cho những người không có chuyên môn như: bảo vệ, coi xe... Nếu như lại có một sự cố đáng tiếc nữa xảy ra vào thời điểm chúng tôi tới xác minh thì không hiểu sẽ để lại những hậu quả nặng nề như thế nào, ai là người chịu trách nhiệm?

(Theo CA TPHCM)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu