Hơn một tháng qua, người dân TP Tam Kỳ rất bức xúc trước cảnh “ra đường là gặp rác”. Rác tràn ngập khắp các đường phố, khu dân cư, các chợ. Những bãi rác “tạm” cao lừng lững, ruồi nhặng bu đầy, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Bà Nguyễn Thị Lan, nhà trên đường Hùng Vương đối diện với ĐH Quảng Nam, bức xúc: “Dân chúng tôi nộp tiền lệ phí đầy đủ nhưng không hiểu răng người của môi trường đô thị không đi thu gom, xử lý rác?”. Rác thải để lâu bốc mùi hôi thối khó chịu, nhiều nhà đem ra để trên khu vực trồng hoa, trồng cây xanh tại “con lương” của đường Hùng Vương, vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa “làm khó” người đi đường. Tại các chợ Hoà Hương, Tam Kỳ, An Sơn rác thải cũng ngập ứ gây ô nhiễm môi trường.
Giám đốc Xí nghiệp môi trường đô thị Tam Kỳ Đoàn Kim Thịnh, cho biết tình hình ứ đọng rác nghiêm trọng như trên là do người dân lân cận bãi rác Tam Đàn, xã Tam Đàn (Phú Ninh) lại tiếp tục “cấm vận” xe chở rác vào xử lý. Ông Thịnh cũng cho biết, bình quân mỗi ngày TP Tam Kỳ có 250 tấn rác thải sinh hoạt. Trước đây, việc thu gom rác diễn ra ở các tuyến đường, khu dân cư 2 ngày một chuyến. Nay bãi rác Tam Đàn bị dân phong toả nên 5-7 ngày thu gom một chuyến. Hơn tháng qua, rác thải sinh hoạt tại TP Tam Kỳ, xí nghiệp phải chuyển đi đổ tại bãi xử lý rác ở huyện Đại Lộc và huyện Núi Thành.
Sáng 21/12, 34 hộ dân thôn Đông Yên, phường Hoà Thuận (TP Tam Kỳ) lại tiếp tục lập hàng rào phong toả, không cho xe chở rác của Xí nghiệp Môi trường Đô thị Tam Kỳ vào đổ rác tại bãi rác Tam Đàn. Trước đó, vào sáng ngày 20/12, sau khi có xe của xí nghiệp môi trường chở rác vào đổ tại bãi rác, hàng chục người dân đã ra ngăn chặn, buộc 3 xe chở rác khác quay đầu trở ra. “Hơn 8 năm nay, bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đất sản xuất của người dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng họ chỉ hứa chứ chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho dân trước khi đổ rác trở lại”, người dân Đông Yên cho biết.
Trong khi ông Đoàn Kim Thịnh cho rằng Xí nghiệp môi trường đô thị Tam Kỳ đã khắc phục sự cố rò rỉ nước từ bãi rác thải và bồi thường tiền thiệt hại sản xuất cho 34 hộ dân, với mức 300.000 đồng một sào và “các bên đã đồng thuận” cho xí nghiệp đưa xe vào đổ rác, thì người dân Đông Yên lại cho mình bị lừa, vì khi ký nhận tiền, họ không được thông báo đó là “cam kết” như xí nghiệp đã nói. Người dân cho biết, ngay khi nhận tiền “hỗ trợ”, họ đã phát hiện mình bị lừa nên tìm gặp ông Thịnh và người của xí nghiệp để trả lại tiền, nhưng họ đã lén lên xe con… bỏ chạy.
“Cuộc chiến” giữa người dân thôn Đông Yên với Xí nghiệp môi trường đô thị Tam Kỳ diễn ra âm ỉ và bùng phát từ ngày 19-11 đến nay vẫn được giải quyết. Và người dân TP Tam Kỳ vẫn còn tiếp tục “sống chung” với rác.
(Theo NLĐ)