SearchNews

Thu hồi khu đất 265 tỷ đồng bị bỏ hoang như thế nào?

24/07/2012 09:28

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào các khu đất vàng này rồi bỏ không là sự lãng phí ghê gớm.

TP Hà Nội vừa yêu cầu lập hồ sơ thu hồi một số khu đất đấu giá quyền sử dụng đất bị bỏ hoang nhiều năm nay. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào các khu đất vàng này rồi bỏ không là sự lãng phí ghê gớm.

Chi 265 tỷ đồng mua đất rồi bỏ không

Một trong những địa chỉ bị TP Hà Nội đề nghị thu hồi đất gây sốc hồi giữa tháng 7-2012 (Báo chí đã có bài phản ánh) là trường hợp khu đất vàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (VCB) tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội). Đó là lô A, thuộc ô đất D23, đẹp nhất nhì Khu đất đấu giá tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, nằm ở mặt đường Trần Thái Tông.

Thu hồi khu đất

Theo kết quả kiểm tra của Sở TN-MT Hà Nội, lô đất này rộng 5.053m2, đã bỏ không từ năm 2008, hiện được quây tôn xung quanh, vi phạm khoản 12, Điều 38 - Luật Đất đai. Điều đáng nói là VCB đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và khu đất cũng đã được cấp GCN quyền sử dụng đất. Do đó, việc đề nghị lập hồ sơ thu hồi khu đất sẽ không đơn giản như nhiều địa chỉ vi phạm khác.

Liên quan tới khu đất này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá, để lập hồ sơ thu hồi theo quy định. Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tại thời điểm tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) vào cuối năm 2008, lô A, ô đất D23 có diện tích 5.053m2; mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép 15 tầng... Giá sàn theo phê duyệt là 15 triệu đồng/m2. Giá trị bảo lãnh với các doanh nghiệp tham gia đấu giá là 3,5 tỷ đồng. Chức năng sử dụng khu đất được nêu rõ: “Thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc”. Theo bản Quy chế ĐGQSDĐ do UBND quận Cầu Giấy phê duyệt, ô đất D23 được đấu giá theo phương thức bỏ giá nhiều vòng. Mỗi bước giá (lần bỏ giá) tương ứng là 500.000 đồng.

Theo quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá do Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa ký, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 52,5 triệu đồng/m2, gấp 3,5 lần giá sàn. Với tổng diện tích 5.053m2, tổng giá trị khu đất tính theo giá trúng hơn 265,28 tỷ đồng. Như vậy, để thắng cuộc, VCB phải trải qua rất nhiều vòng bỏ giá căng thẳng. Thế nhưng, sau khi có được khu đất vàng, DN này lại bỏ không suốt từ cuối năm 2008 tới nay.

Đủ cơ sở để thu hồi

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND một quận nội thành Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho rằng, theo chỉ đạo của thành phố, dựa vào quy chế đấu giá và pháp luật hiện hành, hoàn toàn đủ cơ sở để thu hồi khu đất của VCB. Vì lô đất đã được cấp GCN quyền sử dụng đất nên cơ quan chức năng sẽ phải làm thủ tục thu hồi “sổ đỏ”. Ông này nói: “GCN là chứng thư pháp lý quan trọng nhất. Do đó, nếu muốn thu hồi đất bỏ hoang, vi phạm Luật Đất đai, việc đầu tiên là phải thu hồi lại “sổ đỏ” đã cấp”.

Tuy vậy, câu chuyện hậu thu hồi ra sao mới là vấn đề phức tạp, đặc biệt khó xử lý đối với những trường hợp như VCB.

Vị Phó Chủ tịch phụ trách đất đai phân tích: “Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đụng tới các “đại gia” khi thu hồi đất có vi phạm nhưng để đi tới cùng là rất khó. Thành ra, TP nhiều khi bị mang tiếng là giơ cao, đánh khẽ. Về lý thuyết thì thu hồi được nhưng thực tế không đơn giản, nhất là giải quyết vấn đề kinh tế. Có thể người ta (VCB - PV) sẽ yêu cầu “vào bằng đường nào thì sẽ ra bằng đường đó”. Tức là, VCB được giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất thì khi Nhà nước thu hồi lại đất, phần bồi thường cho VCB cũng phải tính qua con đường đấu giá...”.

Không ai là bất khả xâm phạm

Về đề xuất thu hồi khu đất vàng của VCB, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ khẳng định: “TP Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để thu hồi diện tích đất trên của VCB do chủ đầu tư vi phạm khoản 12, Điều 38 - Luật Đất đai 2003”. Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, nhà đầu tư trúng đấu giá đã được bàn giao đất mà trong thời hạn 12 tháng không tiến hành xây dựng theo quy định thì bị thu hồi để đấu giá lại hoặc mời gọi chủ đầu tư khác có đủ nguồn lực tài chính, để hoàn trả số tiền đầu tư mà VCB đã bỏ ra trong 4 năm qua. “TP Hà Nội mà cụ thể là quận Cầu Giấy sẽ không dùng tiền ngân sách để hoàn trả cho VCB mà phải tổ chức đấu giá lại hoặc kêu gọi chủ đầu tư mới” - ông Đặng Hùng Võ nói.

Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, việc thu hồi đất sẽ do UBND TP Hà Nội chủ động thực hiện theo luật định, với mục tiêu cuối cùng là thu hồi được diện tích đất để hoang phí nhiều năm, vi phạm pháp luật. GS. Đặng Hùng Võ cảnh báo, không chỉ riêng VCB mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư khác để hoang hóa đất quá 12 tháng đều có thể bị thu hồi. “Đối với các diện tích đất qua đấu giá quyền sử dụng, về bản chất, cũng là một hình thức giao đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Điều đó không có nghĩa các khu đất đó đã trở nên bất khả xâm phạm. Nếu chủ sử dụng vi phạm pháp luật đất đai, cơ quan chức năng đủ cơ sở để thu hồi...”.

Thu hồi, hoàn lại tiền không tính lãi

Liên quan tới xử lý vi phạm, Điều 19 Quy chế ĐGQSDĐ lô A, ô D23 nêu rõ: “Nhà đầu tư trúng đấu giá đã được bàn giao đất mà trong thời hạn 12 tháng không tiến hành xây dựng theo quy định thì bị thu hồi để đấu giá lại. Trong trường hợp này, nhà đầu tư được hoàn lại số tiền đã nộp và không được tính lãi, trượt giá, đồng thời bị phạt tiền (bằng số tiền bảo lãnh dự đấu giá), sung vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải hoàn trả lại mặt bằng nguyên trạng như khi nhận bàn giao đất trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền”.

Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

(Khoản 12, Điều 38 - Luật Đất đai về các trường hợp thu hồi đất)

Các bài đọc nhiều:

> Giảm đầu cơ BĐS bằng cách đánh thuế cao

> Sở hữu từ nhà thứ hai trở lên sẽ bị đánh thuế

> Biệt thự Việt chưa an toàn !

> Những biệt thự tiền tỷ mọc rêu tại KĐT Cổ Nhuế

> Sống khổ ở khu đô thị thiếu hạ tầng

> Sở hữu từ nhà thứ hai trở lên sẽ bị đánh thuế

> Rợn người vào các biệt thự bạc tỷ

(Theo ANTĐ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu