Gần 1.900m
2 đất rạch bị 11 hộ dân lấn chiếm từ trước và năm 2002, UBND Q.7 (TP.HCM) đã phát hiện vụ này nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được. Ðoạn rạch bị lấn chiếm này vốn là lối thoát nước cho cả khu vực.
Chiếm đất rạch để kinh doanh
Theo người dân ở hẻm 311 Nguyễn Thị Thập, P.Tân Phú, Q.7, trước đây cuối hẻm này có đoạn rạch chạy qua là lối thoát nước cho cả khu vực, nhưng hơn 10 năm trở lại đây lòng rạch và hành lang bảo vệ bị người dân hai bên lấn chiếm để xây nhà, làm cơ sở sản xuất nên đoạn rạch này gần như bị lấp.
Khu đất rạch bị gia đình bà Nguyễn Thị Lệ Thu lấn chiếm nằm ở cuối hẻm 311 hiện nay là một phần xưởng nước đá đang hoạt động ngày đêm. Năm 2007 khi đã có quyết định của UBND Q.7 về việc thu hồi đất lấn rạch này, bà Thu mới xây 18m2 nhà tường, mái tôn. Mấy năm sau bà Thu lại cơi thêm một tầng trên phần nhà cũ. Cả hai lần này đều bị cơ quan chức năng ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhưng hiện tại vẫn còn nguyên trạng. Ðến thời điểm này, bà Thu đang lấn chiếm, sử dụng hơn 100m2 đất rạch.
Cạnh xưởng nước đá của bà Thu là phần đất gần 300m2 do bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh lấn rạch xây nhà (một trệt một lầu) làm xưởng nước đá. Theo Thanh tra xây dựng Q.7, thời điểm bà Thu và bà Hạnh lấn chiếm đất rạch để làm xưởng nước đá là khoảng trước năm 2002.
Ngoài ra, ở khu vực này còn có chín hộ dân khác cũng lấn chiếm đất rạch. Tất cả hộ này đều có phần đất hợp pháp giáp ranh với rạch. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, các hộ này đã san lấp rạch dần dần. Ví dụ như gia đình bà Cao Thị Tám san chiếm gần 650m2 đất rạch, gia đình bà Nguyễn Hồng Phượng san chiếm gần 150m2, ông Huỳnh Minh Dũng chiếm 120m2... Những hộ dân này san chiếm đất rạch để trống hoặc chỉ xây dựng nhà tạm bằng tôn, lá. Tổng diện tích đất bị lấn chiếm gần 1.900m2, có giá khoảng 35 tỉ đồng.
Sao chưa thu hồi đất?
Tại sao việc lấn chiếm đất rạch đã được UBND Q.7 phát hiện từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi? Liệu Q.7 có làm ngơ để những người lấn chiếm đất hợp thức hóa phần đất rạch? Ðây là những câu hỏi mà người dân địa phương bức xúc đặt ra.
Ðại diện Thanh tra xây dựng Q.7 xác nhận các hộ dân tại hẻm 311 Nguyễn Thị Thập lấn chiếm đất công trong giai đoạn từ sau năm 1993 đến trước năm 2002. Theo vị này, do rạch nằm phía sau nhà dân nên cơ quan quản lý khó phát hiện việc người dân san chiếm đất rạch. Ðến năm 2002, khi lập bản đồ địa chính và đối chiếu với những tài liệu trước đó thì cơ quan chức năng mới phát hiện việc này.
Cũng theo vị này, quyết định đầu tiên về việc thu hồi đất rạch ở hẻm 311 Nguyễn Thị Thập được UBND Q.7 ban hành năm 2002, nhưng không có đối tượng bị thu hồi đất và diện tích đất thu hồi không chính xác. Ðến năm 2003, UBND Q.7 lại ban hành tiếp một quyết định khác điều chỉnh diện tích đất bị thu hồi nhưng cũng không có đối tượng bị thu hồi đất. Trong hai năm tiếp theo, UBND Q.7 đã ban hành thêm hai quyết định liên quan nhưng đều không chặt chẽ về pháp lý nên cơ quan chuyên môn không thể cưỡng chế thu hồi đất trên thực tế. Mãi đến năm 2005, UBND Q.7 mới ban hành 11 quyết định thu hồi đất của 11 hộ dân san chiếm đất rạch ở khu vực này, có kèm diện tích và bản đồ hiện trạng vị trí của từng khu đất bị lấn chiếm.
Cũng theo Thanh tra xây dựng Q.7, năm 2007 sau khi giải quyết xong các khiếu nại về việc thu hồi đất của các hộ dân, Q.7 lên kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất rạch thì phát hiện có sáu trường hợp lấn chiếm rạch đã được cấp giấy chủ quyền một phần đất rạch. UBND quận đã giao Phòng tài nguyên - môi trường rà soát, điều chỉnh ranh đất của những trường hợp này để tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất công.
"Cơ quan chức năng phải mời các chủ đất đến xác định lại ranh đất hợp pháp để trừ đi phần diện tích đất đã cấp giấy chủ quyền sai. Các chủ đất không hợp tác nên thời gian điều chỉnh giấy chủ quyền kéo dài" - đại diện Thanh tra xây dựng Q.7 lý giải nguyên nhân khiến đến nay vẫn chưa thể cưỡng chế thu hồi đất rạch bị các hộ dân lấn chiếm. Ông Nguyễn Ngọc Thành, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường Q.7, cho biết việc cấp giấy chủ quyền một phần đất rạch cho các hộ dân là do sai sót trong quá trình lập bản vẽ nhà, đất bằng tay trước năm 2002. Ông Thành khẳng định không có chuyện cán bộ cấp giấy tiêu cực trong việc này.
Sẽ cưỡng chế vào tháng 5
Trong cuộc họp vào tháng 2 vừa qua, UBND Q.7 đã chỉ đạo các phòng ban phải gấp rút làm các thủ tục để cưỡng chế thu hồi đất rạch ở khu vực trên trước tháng 6 năm nay. Riêng hai hộ kinh doanh xưởng sản xuất nước đá phải bị thu hồi đất chậm nhất vào ngày 30/3. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV vào ngày 6/4, hai xưởng nước đá trên vẫn còn hoạt động. Thanh tra xây dựng Q.7 cho biết hiện nay cơ quan này đang trình kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất cho các phòng liên quan thẩm định và sẽ trình UBND quận ký ban hành trong vài ngày tới.
"Tiến độ như vậy là đã trễ so với chỉ đạo của UBND quận. Hiện Phòng tài nguyên - môi trường quận đã điều chỉnh xong diện tích đất trên bốn giấy chủ quyền cấp sai. Chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất rạch bốn trường hợp này (trong đó có hai hộ kinh doanh xưởng nước đá) vào tháng 5 tới" - đại diện Thanh tra xây dựng Q.7 cho biết.
(Theo TTO)