TP.HCM đang nghiên cứu bố trí các khu phố đi bộ ở nhiều tuyến đường trung tâm thành phố như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi… nhằm hạn chế xe cá nhân. Hà Nội, Huế, Hội An... cũng có kế hoạch phát triển thêm một số tuyến đường đi bộ.
Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM và Công ty IDOM (Tây Ban Nha) vừa hoàn thành nghiên cứu ý tưởng thiết kế giải pháp cảnh quan và bố trí không gian các khu phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP.
Theo đó, nhiều tuyến đường trong trung tâm TP sẽ thành đường đi bộ hoặc ưu tiên đi bộ. Ông Huỳnh Xuân Thụ, giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, nói:
- Trước hết, phải hiểu đi bộ không phải là mục tiêu nghiên cứu này hướng tới mà mục tiêu chính là giảm xe cá nhân, tăng cường giao thông công cộng trong trung tâm TP.
* Theo ý tưởng nghiên cứu trên, những tuyến đường nào của TP sẽ là đường đi bộ?
- Nghiên cứu phân thành ba khu vực đi bộ trong trung tâm TP. Thứ nhất là ô phố giới hạn bởi các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (quận 1). Khu vực này còn gọi là phố Tây, tập trung nhiều du khách nước ngoài. Thứ hai là khu vực chợ Bến Thành và các tuyến đường lân cận. Thứ ba là các tuyến đường trọng điểm của trung tâm TP chạy dọc các công trình lịch sử văn hóa của TP như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, Lê Duẩn...
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngay lập tức chính quyền dựng rào chắn, ngăn xe ra vào những tuyến đường trên mà có lộ trình điều chỉnh dần dần.
* Các bước thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Phía nghiên cứu đưa ra một số khu vực có thể tổ chức thí điểm. Ví dụ như cụm phố Tây ở quận 1 (đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão...), khu vực quảng trường quanh Nhà hát TP, khu vực chợ Bến Thành và những tuyến đường xung quanh... Ở những khu vực này, thực tế người dân có nhu cầu đi bộ. Ví dụ như quanh chợ Bến Thành, cả ngày cho đến nửa đêm, lúc nào cũng có lượng lớn du khách và người dân qua lại nên lượng xe chạy vào rất ít. Nếu người dân trồng thêm cây xanh, lát gạch vỉa hè, chỉnh trang đường phố cho sạch sẽ... thì khu vực trên đẹp hơn rất nhiều. Cảnh quan đẹp sẽ thu hút nhiều khách đến tham quan, mua sắm, việc kinh doanh của người dân khấm khá lên. Như vậy, những người sống ở đây hi sinh sự tự do chạy xe ra vào khu vực vào ban ngày, đổi lại họ được nhiều lợi ích về kinh tế, cảnh quan, môi trường...
Nghiên cứu cũng đưa ra những giải pháp về bố trí giao thông công cộng, cảnh quan, cây trồng, gạch lát vỉa hè, đèn chiếu sáng... trong khu phố đi bộ để tạo không gian hài hòa, thoải mái nhất cho người đi bộ. Ban đầu có thể tổ chức đi bộ vào các ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật cho người dân quen dần.
* Những phương tiện giao thông của người dân sống tại các khu phố đi bộ sẽ được xử lý ra sao? Người ở xa đến làm việc trong các tòa nhà ở khu vực này sẽ di chuyển như thế nào?
- Đi bộ ở đây không có nghĩa tuyệt đối. Xe máy có thể di chuyển vào khu vực đi bộ khi cần thiết. Có thể đặt các bồn hoa, ghế đá dọc đường để xe máy không thể chạy nhanh, chạy ẩu qua khu vực này. Người dân có thể dùng xe máy, ôtô, xe tải... chở hàng hóa đến cửa hàng ở phố đi bộ nhưng phải theo giờ giấc nhất định.
Sẽ có những bãi đậu xe công cộng gần khu vực để người dân và người đi làm gửi xe và đi bộ về nhà mình hoặc đến nơi làm việc. Ví dụ như khu vực phố Tây có thể gửi xe máy ở những bãi gửi xe tại công viên 23-9. Ngoài ra, các tuyến metro và xe buýt được bố trí thuận tiện hơn sẽ giúp người dân giảm nhu cầu đi lại bằng xe cá nhân.
* Khi nào bắt đầu thực hiện ý tưởng này? Liệu người dân có ủng hộ ý tưởng này hay không?
- Đây mới chỉ là ý tưởng ở dạng nghiên cứu. Ý tưởng này muốn thành hiện thực phải được UBND TP đồng ý thông qua, sau đó sẽ thành các dự án cụ thể. Thời gian thực hiện sẽ cụ thể hóa trong từng dự án. Trong nghiên cứu, chúng tôi đã nghĩ đến việc hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân khi không được tự do sử dụng xe cá nhân đến tận nhà, nơi làm việc của mình. Bù vào đó, rất nhiều cái lợi người dân được hưởng là điều kiện kinh doanh tốt hơn, môi trường làm việc, môi trường sống an toàn...
(Theo TTO)