Sau gần 7 năm, với 2 lần gia hạn, dự án đường nối phường Hồng Hải với các phường Hà Trung, Hà Lầm, TP.Hạ Long vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Sau gần 7 năm, với 2 lần gia hạn, dự án đường nối phường Hồng Hải với các phường Hà Trung, Hà Lầm, TP.Hạ Long vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Dự án “treo” cũng “treo” luôn những nhu cầu mưu sinh cơ bản nhất của 513 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu của hai phường Hồng Hải và Hà Trung.
Dự án “rùa bò”, dân khổ
Dự án chính thức được chủ đầu tư là Cty CP xây dựng và kinh doanh bất động sản Quảng Ninh khởi công vào đầu năm 2005, theo hình thức đổi đất lấy công trình. Cty này làm con đường dài khoảng 2km từ phường Hồng Hải qua phường Hà Trung vào tới Hà Lầm; đổi lại, Cty được khai thác quỹ đất 2 bên hành lang tuyến đường.
Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm khởi đầu cho cuộc sống đầy bất ổn của phần lớn các hộ dân nói trên, bởi quy định: Cấm xây, sửa nhà... có hiệu lực ngay tức thì. Việc xây mới hoặc sửa nhà không thể thực hiện được, hoặc gặp rất nhiều khó khăn, dù nhu cầu của dân là rất lớn.
Chị Phạm Thị Hằng - tổ 2 khu 7, phường Hồng Hải - cho biết đã nhiều lần làm đơn xin sửa lại ngôi nhà cũ kỹ nằm chênh vênh trên sườn đồi, nhưng chính quyền lúc thì đồng ý, lúc thì không. “Vì an toàn tính mạng cho gia đình, nếu đến tháng 10 tới, chính quyền không đồng ý, chúng tôi vẫn sửa nhà” - chị Hằng bức xúc. Thậm chí, có hộ xây kè đá để chống sạt lở cho nhà cũng bị phường Hồng Hải lập biên bản.
Bi kịch nhất là những gia đình có con cái mới lập gia đình. Do quy định của phường, nhiều đôi mới cưới nhau vẫn phải ở chung với bố mẹ, ông bà, anh chị em trong những ngôi nhà nhỏ xíu, dù đất của gia đình vẫn còn mênh mông. Anh Vũ Văn Luân - trú tại tổ 31, khu 3, phường Hà Trung - cho biết vừa xây xong móng nhà cho con thì bị phường đến lập biên bản, vì thế cả gia đình 7 người vẫn phải sống trong ngôi nhà ngói cũ 40m2.
Việc xây và sửa lại nhà gần đây đã có “nới lỏng” đôi chút, sau vụ sập nhà vào tháng 8.2011, khiến hai mẹ con một gia đình nghèo tử nạn. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ của Ban quản lý dự án: 10 triệu đồng/1 hộ xây mới, 2-3 triệu đồng/1 hộ sửa nhà, theo người dân thì không đủ mua gạch. Còn nếu liều xây mới, sau này bị giải tỏa sẽ không được bồi thường.
Bức xúc về giá đền bù
Ngay những người dân trong diện phải di dời cũng đều ủng hộ dự án, bởi nếu thành công, dự án không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho thành phố, mà còn cho chính họ. Tuy nhiên, họ không chấp nhận mức đền bù của Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Hạ Long-đơn vị có nhiệm vụ cung cấp đất sạch cho nhà đầu tư-dù mức đền bù được nhiều lần bổ sung. Tính đến nay, mới có 6 trong 513 hộ nhận tiền đền bù, mà chủ yếu là các hộ dân ở phường Hà Trung, còn ở phường Hồng Hải, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố mới áp giá được cho một vài hộ.
Ông Đào Quang Huy - 84 tuổi, ở tổ 31, khu 3, phường Hà Trung - cho biết, mảnh đất của ông rộng 1.980m2, giá thị trường 4 triệu đồng/m2, mà lần đầu trả 1,2 tỉ đồng, lần thứ 2 tăng thêm hơn 400 triệu nữa và lần gần đây nhất là 1,7 tỉ đồng. “Tôi rất ủng hộ dự án và cũng không đòi cái giá của thị trường, nhưng phải làm sao cho chúng tôi đỡ thiệt” - ông Huy bức xúc trước việc giá đền bù mỗi lần một khác - một sự kỳ kèo khó chịu.
Không chỉ là mức giá đền bù quá thấp so với thị giá, mà theo người dân, việc xác định nguồn gốc đất đai cũng khiến hầu hết người dân bức xúc. Ông Vi Văn Dần - tổ 2, khu 7, phường Hồng Hải - cho biết, mảnh đất hiện nay của gia đình được vợ chồng ông khai hoang từ năm 1973 và định cư từ năm 1980, nhưng phường lại nói là “đất hoang do phường quản lý”.
Chị Phạm Thị Hằng thì gay gắt: “Đất thổ cư lâu đời mà phường lại nói là đất hoang do phường quản lý. Dân phản đối thì sau đó lại nói là đất giao thông”. Rơi vào hai loại đất này, giá đền bù cho 1m2 chỉ bằng vài tô phở. Rõ ràng, vẫn còn những khoảng cách quá lớn giữa các hộ dân và những người làm dự án, mà nếu giải quyết được cũng mất rất nhiều thời gian. Hơn 7 năm chờ đợi, chẳng lẽ, người dân lại tiếp tục đằng đẵng đợi chờ?
(Theo Laodong)