SearchNews

TP.Hà Nội: Nghiêm khắc hơn với các dự án chuyển đổi

07/10/2014 07:25

Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhiều dự án nhà ở thương mại đã được cấp phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tiến độ của các dự án này rất chậm đã khiến không ít người lo ngại rằng sự chuyển đổi này chỉ là một hình thức giữ đất đầu cơ của chủ đầu tư.

Trước tình hình thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều khó khăn, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện "cứu" dự án và đưa các dự án tiến sát gần người mua hơn. Một trong những chính sách đó là tạo điều kiện cho các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Nếu các dự án được chuyển đổi thành công thì chủ đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước. Song có một thực trạng đáng buồn đang diễn ra là trên địa bàn TP.Hà Nội đã có nhiều dự án được chấp thuận chuyển đổi nhưng tiến độ vẫn rất "rùa".

TP.Hà Nội: Nghiêm khắc hơn với các dự án chuyển đổi
 Trên địa bàn TP.Hà Nội đã có nhiều dự án được chấp thuận chuyển đổi
nhưng tiến độ vẫn rất "rùa".

Theo số liệu thống kê của UBND TP.Hà Nội, thành phố có tất cả 5 dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi theo Thông tư số 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, với khoảng 358.788m2 sàn xây dựng, tương đương gần 4.020 căn hộ.

Trong đó, 4 dự án với 337.188m2 sàn xây dựng, tương đương 3.768 căn hộ đã được chấp thuận đầu tư và 1 dự án có 21.600m2 sàn xây dựng, tương đương 252 căn hộ đã có chủ trương của thành phố nhưng chưa chấp thuận đầu tư. Nhưng đến nay, tiến độ của 4 dự án được chuyển đổi này cũng rất chậm.

Điển hình là dự án nhà ở xã hội tòa nhà SDU 143 Trần Phú thuộc quận Hà Đông với diện tích 2.590m2, quy mô 35 tầng, 512 căn hộ, hiện dự án mới chỉ hoàn thành phần móng được một thời gian dù đã được chấp thuận chuyển đổi cả năm nay.

Tháng 1/2014, dự án AZ Thăng Long thuộc huyện Hoài Đức đã được TP.Hà Nội phê duyệt kế hoạch chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn không có động tính gì mới. Vậy nguyên nhân của sự chuyển đổi chậm trễ này là do đâu?

Theo các doanh nghiệp thì nguyên nhân là do thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian. Bởi khi chuyển đổi sang nhà ở xã hội, thiết kế của dự án cũng phải thay đổi, điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án, sau đó đợi các cơ quan chức năng phê duyệt. Thời gian chờ đợi phê duyệt lâu nên dự án không thể triển khai được.

Như vậy, về thủ tục hành chính, chủ đầu tư phải thực hiện hai lần chứ không phải một lần.

Không chỉ vậy, các khâu khác như xác nhận đền bù giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp cũng không thể tự làm được. Rồi vấn đề giải ngân vốn tín dụng gói hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong việc hoàn thành các thủ tục của ngân hàng.

Khó khăn về thủ tục hành chính, về các khâu trung gian là những lý giải của các chủ đầu tư cho việc chậm trễ thực hiện dự án. Song, nhiều chuyên gia bất động sản không hoàn toàn đồng tình với lý do đó mà họ cho rằng, đây chính là chiêu trò "găm đất" chờ thị trường phục hồi sẽ tung dự án ra với giá cao hơn của chủ đầu tư.

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Long, những dự án xin chuyển đổi vốn là những dự án không đủ khả năng triển khai khi thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn. Chủ đầu tư xin chuyển đổi để nhận được các ưu đãi từ phía Nhà nước như: Vay vốn ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT… "Đây rất có thể là chiêu giữ đất đợi thị trường ấm lại chuyển từ nhà thu nhập thấp sang nhà thương mại để kiếm lời từ phía chủ dự án", ông Long phân tích.

Không đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia BĐS Nguyễn Minh Phương cho rằng, các doanh nghiệp chỉ được hưởng các ưu đãi khi dự án được thực hiện, nếu chưa thực hiện thì không có ưu đãi nào hết. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp lợi dụng việc chuyển đổi để hưởng lợi từ chính sách là không quá lớn. Song, nếu tình trạng dự án "treo" cứ kéo dài thì sẽ gây lãng phí cho tài nguyên đất, trong khi người nghèo vẫn khát khao có được chốn "an cư" mà không có.

Trưởng Phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội, ông Vũ Ngọc Đạm khi được hỏi về vấn đề này cũng cho hay: Việc chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chậm trễ trong triển khai dự án để giữ đất là điều khó xảy ra. Dự án mãi không được triển khai chủ yếu là do khâu thủ tục hành chính rắc rối đã gây khó cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Đạm cũng cho rằng, việc các dự án bị “ngâm” quá lâu sẽ khiến cho chủ trương của Chính phủ cũng dần mất đi giá trị. "Sắp tới, Sở sẽ tiến hành thanh tra, rà soát lại toàn bộ các dự án trên địa bàn nhằm tìm nút thắt tháo gỡ vướng mắc về chính sách", ông cho biết thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng cho biết thông tin, sắp tới Hà Nội sẽ tiến hành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thẩm định về mặt tiến độ dự án. Theo đó, các chủ đầu tư phải cam kết về tiến độ triển khai dự án, trường hợp dự án nào không làm tốt sẽ bị xem xét thu hồi. 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu