SearchNews

Trao cơ chế đặc thù để Thủ đô phát triển

19/11/2010 22:03

Dự thảo Luật Thủ đô với cơ chế đặc thù có tạo ra “đặc quyền” cho Hà Nội là vấn đề được nhiều đại biểu nêu lên khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường.

Dự thảo Luật Thủ đô với cơ chế đặc thù có tạo ra “đặc quyền” cho Hà Nội là vấn đề được nhiều đại biểu nêu lên khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường.

Ngày 16/11, Quốc hội thảo luận lần đầu tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô với nhiều góp ý, hiến kế trong việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô.

Đặc thù chứ không phải “đặc quyền”

Vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ là các quy định về 18 cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Luật, không để xảy ra tình trạng “đặc thù” dẫn đến “đặc quyền, đặc lợi”. Các cơ chế đặc thù phải bảo đảm thực hiện được các mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Du Lịch cho rằng, dự thảo Luật cần chỉ ra “đặc thù” của Hà Nội chứ không phải là “đặc quyền”.

“Tôi nghĩ “đặc quyền” duy nhất của Thủ đô mà nơi khác không nêu được là “đặc quyền” về vị trí chính trị, địa vị pháp lý. Còn về phương diện phát triển đô thì “đặc thù” do điều kiện phát triển tạo ra”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Quốc hội nên ban hành một Nghị quyết có giá trị như đạo luật để tạo cho Hà Nội những “cơ chế đặc thù” như ngân sách, tăng các loại phí và tăng xử phạt vi phạm hành chính so với các địa phương khác.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu Đồng Nai) cho rằng, sự phát triển của Thủ đô hiện tại còn nhiều bất cập khi chưa có một mô hình quản lý đô thị, do đó chỉ cần hoàn chỉnh Pháp lệnh hiện hành và soạn thảo Luật Đô thị cho việc quản lý, điều hành, phát triển Thủ đô.

TS. Nguyễn Ngọc Đào (đại biểu Hà Nội) ủng hộ việc ban hành dự án Luật và cho rằng dự thảo Luật cần dành cho Hà Nội những khuôn khổ pháp lý với tính chất là đô thị đặc biệt, có dành cho Hà Nội “quyền năng” để quản lý thì “mới đẹp lên được”.

“Tôi đề nghị Hà Nội nên lắng nghe ý kiến nhân dân cả nước về dự án Luật này”, đại biểu của TP Hà Nội kiến nghị.

Ban hành cơ chế đặc thù là hợp lý, hợp pháp

Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) tán thành việc trao cho Hà Nội cơ chế ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh là cần thiết nhưng các cơ chế đặc thù trong dự thảo Luật còn chung chung.

GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng, nhất trí việc nâng Pháp lệnh Thủ đô thành Luật nhưng không ủng hộ việc ban hành chương trình giáo dục nâng cao riêng vì cho rằng không cần thiết, không hợp lý vì “chương trình hiện nay cũng đã nặng rồi”.

Trước những băn khoăn của các đại biểu, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ nguyên tắc lớn khi xây dựng luật này là phải phù hợp với Hiến pháp, không được tạo ra thiết chế riêng trong đất nước chúng ta.

Việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô, về cơ bản sẽ do các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương ban hành chứ không phải giao hẳn cho Hà Nội. Cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc ban hành được giám sát chặt chẽ. Vì thế, dự thảo Luật cần quy định cơ chế giám sát riêng bởi 9 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô vừa qua, chưa có lần giám sát nào.

“Việc trao cho HĐND thành phố Hà Nội thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện cơ chế đặc thù, điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh đều có cơ sở thực tiễn và pháp lý. Điều này không hề trái Hiến pháp và tạo cho Thủ đô thành thiết chế riêng”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 quy định, HĐND được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội ở địa phương.

Về phạm vi ban hành, ngoài việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định chủ trương, chính sách để thi hành Hiến pháp và văn bản của cơ quan cấp trên, HĐND còn ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định những chủ trương, biện pháp có tính đặc thù, phù hợp với tình hình của địa phương nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Quy định này được áp dụng chung cho cả 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ và có những chỉnh lý phù hợp để chúng ta có một đạo luật thật tốt, được thực thi một cách hiệu quả trong thực tế.

(Theo Chinhphu.vn)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu