Với mức giá nhà đất đắt đỏ thì việc sở hữu một căn hộ hay một ngôi nhà giá thấp tại thành phố vẫn là giấc mơ của những người mới đi làm.
Sau gần 10 năm lang thang khắp các khu vực từ quận nội thành đến ngoại thành TP.HCM, đến nay Nguyễn Hoàng Hải, quê tại Bến Tre, hiện đang làm phó phòng truyền thông cho một công ty nước ngoài, với mức lương tháng trung bình bảy triệu đồng vẫn chưa mua được nhà.
Chỉ là giấc mơ thôi
Theo Hải, mỗi tháng, trừ chi tiêu tất cả các khoản, anh dư được hai triệu đồng. Trong khi, một căn hộ chung cư cũng ngót nghét cả tỉ bạc. Hải tính toán, với mức thu nhập này, nếu may mắn không ốm đau, bệnh tật, không lấy vợ và năm nào cũng tăng lương đều thì cũng hơn 10 năm nữa anh mới mua được một căn hộ. Hải nói: “Tất nhiên, điều kiện quan trọng nữa là giá căn hộ không đổi”.
May mắn hơn anh Hải, anh Trần Hùng là người thành phố, có nhà nên dễ để dành tiền hơn. Tuy nhiên, cả gia đình 10 nhân khẩu của anh Hùng (ba, mẹ, vợ chồng cùng hai con người anh cả, vợ chồng Hùng, cô em gái) sống chung trong một căn hộ 70m2 tại chung cư Ngô Gia Tự, quận 10. Do quá chật chội, vợ chồng anh Hùng đã tích góp mấy năm trời được 300 triệu với hy vọng mua được một căn hộ khác để ra riêng. Tuy nhiên, chở vợ đi lùng sục khắp các hang cùng, ngõ hẻm, giá rẻ nhất mà anh Hùng được giới thiệu là 500 triệu với căn hộ 22m2 ở quận Bình Tân. Vợ chồng anh Hùng chuyển hướng ra mua căn hộ chung cư trả góp. Do không có khả năng mua được giá gốc, anh hỏi qua trung gian thì mức giá chênh lệch chiếm quá nửa số tiền tích góp. Từ bỏ ý định mua nhà, vợ chồng anh Hùng chấp nhận thuê nhà với giá ba triệu/tháng.
Theo anh Hùng, những căn hộ chung cư rộng đến gần 100 m2 với giá có rẻ nhất bây giờ thì cũng khoảng 16 – 17 triệu đồng/m2. Anh nói: “Giá ấy, có nằm mơ tôi cũng không mua được”.
Đâu là giải pháp?
Theo ông Trần Quang Tuấn, giám đốc công ty xây dựng Minh Khoa, với mức thu nhập hiện nay của các bạn trẻ mới ra trường so với giá nhà đất hiện hữu thì cơ hội để mua được nhà ở thành phố là rất thấp. Ông Tuấn phân tích, lương tháng khởi điểm của đa số mới tốt nghiệp đại học khoảng 3 – 4 triệu đồng, rồi làm lâu mới được tăng nhưng không đủ bù trượt giá. Trong khi đó, hiện nay đa số nhà từ 600 triệu – 1,5 tỉ đồng, với đồng lương tăng một cách từ từ và trượt theo giá cả thị trường thì e rằng không thể mua nhà.
Những người có lương trong khoảng 5 – 10 triệu đi ra ngân hàng vay vốn mua nhà cũng khó, bởi vì trong 5 – 10 triệu đó họ còn phải tính chi phí nhà trọ, điện nước sinh hoạt, hoá đơn internet, tiền gửi về cho bố mẹ ở quê, tiền thuế thu nhập cá nhân. Có ngân hàng còn yêu cầu phải có hộ khẩu dạng KT3 thì mới cho vay. Với người chuyên ở trọ, yêu cầu này khó ngang với việc để dành tiền mua nhà. Theo thống kê, thu nhập bình quân của người dân thành phố năm 2009 đạt khoảng trên 40 triệu đồng mỗi năm. Theo tính toán của bộ Xây dựng, nhà giá rẻ rơi vào khoảng từ 500 – 600 triệu đồng mỗi căn rộng trên dưới 50m2. Tính ra một người thu nhập trung bình tích góp trong ít nhất 10 năm không ăn, không uống mới có khả năng mua được nhà tại TP.HCM.
Theo kiến trúc sư Trần Huỳnh Đức, sở dĩ có những bất cập như trên là vì hệ thống quản lý các dự án nhà ở đại chúng chưa chặt chẽ khiến việc triển khai các dự án nhà ở giá thấp và trung bình gặp nhiều trở ngại dẫn đến chi phí quản lý và triển khai xây dựng dự án tăng cao, kết quả là giá bất động sản hoàn thiện (chứ chưa nói đến sau cùng vì còn bị sang tay nhiều lần do nạn đầu cơ) dĩ nhiên là cũng cao. Hậu quả là khi đến tay người mua nhà để ở thì giá nhà đã cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó.
Hiện nay, rất nhiều dự án vùng ven được giới thiệu là giá mềm nhưng cũng phải từ 10 – 15 triệu/m2. Chẳng hạn, căn hộ Lê Thành (quận Bình Tân) giá từ 10 – 11 triệu đồng/m2. Dự án E-Home Đông Sài Gòn (P. Phước Long B, quận 9) giá từ 11,8 triệu đồng/m2. Tương tự, hàng loạt dự án như khu căn hộ 584 Lilama SHB, Sài Gòn Lilama SHB Town (quận Tân Phú), căn hộ Tecco Tower (quận Thủ Đức), khu dân cư Phú Lợi (quận 8), căn hộ Bình Tân Complex (quận Bình Tân)... đều có giá dao động từ 11 – 12 triệu đồng/m2…
(Theo SGTT)