SearchNews

Xây cao ốc bỏ quên bãi đỗ xe, cư dân gánh hệ quả

11/04/2012 09:52

Cư dân nhiều khu đô thị đang khóc dở mếu dở vì mỗi tháng phải mất tiền triệu gửi xe do các cao ốc "quên" thiết kế bãi đỗ xe

> Hà Nội: Xây bãi đỗ xe ngầm tại Cung Văn hóa Hữu Nghị

> TP HCM: Cao ốc lao đao vì thiếu chỗ để xe

> Xây bãi đậu xe: “Nổi” lợi hơn “ngầm”?

Cư dân nhiều khu đô thị đang khóc dở mếu dở vì mỗi tháng phải mất tiền triệu gửi xe. Mới đây, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, ở khu vực trung tâm TP.HCM và Hà Nội, hơn 80% cao ốc, khu đô thị mới không đủ chỗ đậu xe.

Theo khảo sát của PV, tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza (22 tầng), nằm ở mặt tiền các đường Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Chiêm (Q.1). Đây vốn là khu vực thường xuyên đông đúc khách hàng đến mua sắm. Tuy nhiên 2 tầng hầm của trung tâm chưa bao giờ đủ chỗ gửi xe.

bãi đỗ xe

Tương tự, cao ốc văn phòng VFC Tower (29 Tôn Đức Thắng, Q.1, cao 11 tầng) xe thường xuyên phải đậu trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Ngạn và Tôn Đức Thắng.

Ngay cạnh đó, cao ốc văn phòng tại địa chỉ 21 Nguyễn Trung Ngạn (cao 12 tầng) chỉ bố trí 1 tầng hầm đậu xe máy… Tình trạng trên cho thấy, người dân TP.HCM đang khổ sở như thế nào để kiếm được một chỗ đỗ xe "tử tế".

Tại Hà Nội, nhiều khu nhà cao tầng tại các khu chung cư, khu đô thị mới dù chỉ xây cách đây hơn 10 năm nhưng cũng "quên" xây bãi đỗ xe. Theo khảo sát của PV, tất cả các block khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy) đều không có tầng hầm.

Để phục vụ người dân, chủ đầu tư đã cắt một phần tầng 1 dùng cho việc để xe đạp và xe máy. Trong khi đó, ô tô của các cư dân trên thì gặp phải tình cảnh "sống chết mặc bay".

bãi đỗ xe

Được biết, do không có bãi đỗ xe nên ô tô ở khu vực này "bạ đâu đỗ đấy", lối đi, vỉa hè…đều được tận dụng triệt để. Một số khu đất chung, thậm chí ngay trên sân của các tòa nhà đã được người ta "quây" lại làm bãi trông xe với giá gửi xe từ 700.000 -1 triệu đồng /chiếc/tháng. Tương tự, tại các khu đô thị mới khác như Văn Quán, Trung Hòa Nhân Chính cũng đang tồn tại những khu nhà cao tầng không tầng hầm, không có chỗ để xe ô tô.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, qua kiểm tra 8 công trình trên đường Nguyễn Huệ, tổng diện tích đậu xe thực tế chỉ khoảng 8.890m2. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tổng diện tích chỗ đậu xe tối thiểu cần đến hơn 19.300m2. Như vậy, diện tích đậu xe chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu thực tế.

Cao ốc chẳng khác nào "khu ổ chuột"

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: "Nhiều cao ốc hiện nay được coi là "khu ô chuột" hiện đại. Theo KTS Ánh, một trong những biểu hiện khiến người ta gọi như vậy là các khu vui chơi của cao ốc, chung cư đang bị chiếm dụng trầm trọng. Những chiếc xe 4 chỗ, hàng quán đang dần lấy mất chỗ vui chơi của người già và con trẻ... KTS Trần Huy Ánh cho biết, tình trạng trên là hậu quả của tầm nhìn hạn chế của các chủ đầu tư và các cơ quan chức năng. Khi xây dựng, họ không tính toán kỹ lưỡng và quá trình giám sát cũng chưa chặt chẽ. Vị KTS này khẳng định, nếu không chấn chỉnh ngay, các khu đô thị mới trong tương lai sẽ lại tiếp tục trở thành "sọt rác quy hoạch".

Muốn xây cao ốc cần phải đủ bãi đỗ xe

Ở Thái Lan, quy trình xây dựng các tòa nhà cao ốc rất quy củ. Đơn vị nào muốn mở một nhà hàng 100 ghế thì phải đảm bảo ít nhất 50 chỗ đậu xe hơi thì mới được cấp phép. ở Campuchia, Thủ đô Phnom Penh được quy hoạch lại rất đẹp và trật tự. TP ra quy định muốn mở nhà hàng 1.000 ghế thì phải đảm bảo 500 chỗ đậu xe.

Trong khi đó, ở Singapore, Chính phủ nước này cấm buôn bán hàng rong ngoài đường và tập trung người bán hàng rong về hoạt động tại một khu vực. Người dân có nhu cầu mua bán, ăn uống hàng rong thì vào khu vực này, chứ không đậu xe tràn lan ngoài đường, trên vỉa hè gây mất trật tự như ở Việt Nam.

(Theo Nguoiduatin)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu