Như tin đã đưa, vụ việc tranh chấp giữa NH Phương Tây (Western Bank) và một nhà đầu tư cá nhân với tập đoàn đầu tư BĐS Trung Nam Group (TNG) về việc TNG có bán khống CP tại CTCP Viễn Đông Việt Nam (VDL) và có bán khống nợ tại Western Bank hay không đang thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Tuy nhiên, vụ việc đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các bên liên quan liên tục công bố thông tin và các chứng lý trái chiều mà không chờ kết quả giải quyết từ toà án.
Western Bank: NH không vi phạm
Tại buổi họp báo ngày 11.2 tại Đà Nẵng, đại diện Trung Nam Group (TNG) - ông Nguyễn Tâm Tiến - cho rằng: “Việc Western Bank đến nay vẫn chưa thanh toán cho TNG là sự vi phạm trắng trợn chứng thư do chính NH mình phát hành. Chỉ cần 2 điều kiện của chứng thư bảo lãnh thanh toán là: Không cần phải chứng minh và không hủy ngang là đủ để thanh toán cho TNG khi bên được bảo lãnh là ông Nguyễn Sơn từ chối thanh toán cho TNG”. Cũng theo ông Tiến, việc chưa thanh toán của Western Bank đã gây cho TNG rất nhiều khó khăn bởi TNG đã có kế hoạch sử dụng số tiền này để thanh toán cho các khoản vay vốn, bảo lãnh và LC đến hạn. Đặc biệt là vẫn chưa tính hết các hậu quả phát sinh đối với Cty TNG nếu không có số tiền này vì ở thời điểm hiện tại TNG đang có nhiều dự án đang triển khai như KĐT sinh thái Golden Hill, một số dự án thủy điện...
Phản ứng ngay sau buổi họp báo trên, Western Bank đã phát hành thông cáo báo chí ngày 13.2 gửi đến các cơ quan báo chí, khẳng định: “NH không phủ nhận hay thoái thác trách nhiệm bảo lãnh của mình, nhưng các chứng cứ mà NH có đều cho thấy có cơ sở để cho là VDC và TNG đã bán khống CP VDL. Điều đáng tiếc là thay vì các bên ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa thì TNG liên tục thúc ép, đe doạ NH thanh toán tiền cho họ”.
Western Bank cho rằng, bản chất vấn đề ở đây là có việc tranh chấp hợp đồng. Vì hợp đồng chuyển nhượng đang tranh chấp và khởi kiện ra toà, do hợp đồng chưa hoàn thành nên chưa thể kết luận ông Nguyễn Sơn vi phạm trách nhiệm thanh toán, và vì vậy trách nhiệm bảo lãnh của Western Bank chưa phát sinh, vì bên nào vi phạm chỉ có toà án mới kết luận được. “Khi chưa có phán quyết của toà án về vụ kiện nêu trên, chúng tôi chưa công nhận khoản nợ đó. Trước khi có những phán quyết cuối cùng từ tòa án, nếu TNG vẫn cố tình đưa những thông tin sai lệch lên các phương tiện thông tin đại chúng gây mất uy tín của Western Bank, NH sẽ tiến hành các bước pháp lý tiếp theo để buộc TNG phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - phía Western Bank khẳng định.
TNG: Nhầm lẫn về tiền góp vốn và số cổ phần sở hữu hợp pháp?
Theo TNG, căn cứ biên bản cuộc họp ĐHĐCĐ của VDL ngày 20.11.2011 ĐHCĐ đã phê duyệt việc tăng VĐL của VDL từ 200 tỉ đồng lên 220 tỉ đồng, và nghị quyết ĐHCĐ của VDL thông qua việc cho phép chuyển nhượng toàn bộ 5.065.000 CP, chiếm 23% vốn điều lệ của TNG và 1,98 triệu CP của CTCP Tư vấn Đầu tư và CGCN Viễn Đông (VDC), chiếm 9% vốn điều lệ cho NĐT Nguyễn Sơn.
Căn cứ vào biên bản đối chiếu góp vốn giữa TNG, VDC và VDL ngày 10.1.2011 có khẳng định tính đến 31.12.2010 TNG đã góp vào VDL số tiền là 50,65 tỉ đồng, và VDC góp vào VDL số tiền là 19,8 tỉ đồng. Đồng thời, theo văn bản thư xác nhận vốn góp của Cty kiểm toán AISC ngày 21.2.2011 về khoản góp vốn của hai Cty trên vào VDL là đúng. Như vậy, xét các văn bản pháp lý mà VDL và Cty kiểm toán AISC đưa ra thì TNG và VDC có số lượng tiền góp vốn (CP) được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Sơn theo hợp đồng số 01/VDL/TNG/2011, hợp đồng số 01/VDL/VDC/2011 cùng ký ngày 20.1.2011 là trùng khớp nhau.
Tuy nhiên, theo đại diện VDL, trên thực tế TNG và VDC đang có sự nhầm lẫn về bản chất tiền góp vốn và số CP sở hữu hợp pháp theo pháp luật. Số tiền đã góp vốn chỉ trở thành CP sở hữu trước pháp luật và được tự do chuyển nhượng sau khi đã thực hiện việc thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh (ĐKKD) với cơ quan hữu quan. Theo công văn của VDL trả lời văn bản của Western Bank do ông Lê Hoài Việt – Phó TGĐ ký ngày 27.1.2012, trong đó có nhấn mạnh đến việc biên bản và nghị quyết ĐHCĐ của VDL cho phép TNG và VDC bán số CP lớn hơn số CP của mình theo giấy chứng nhận ĐKKD cho ông Nguyễn Sơn là không phù hợp pháp luật.
Căn cứ theo giấy chứng nhận ĐKKD của VDL thay đổi lần 3 được Sở KHĐT Đà Nẵng cấp ngày 24.2.2011 thì danh sách cổ đông của VDL có TNG sở hữu số CP là 4,6 triệu CP tại VDL và VDC sở hữu 1,8 triệu CP tại VDL. Giấy chứng nhận ĐKKD của VDL thay đổi lần 4 được Sở KHĐT Đà Nẵng cấp ngày 4.3.2011 danh sách cổ đông và CP được giữ nguyên như trên.
Trong khi hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa TNG, VDC và ông Nguyễn Sơn được ký ngày 20.1.2011, nhưng theo đăng ký kinh doanh của VDL trước thời gian ký hợp đồng này số lượng CP hợp pháp mà Sở KHĐT Đà Nẵng đã xác nhận trong giấy ĐKKD lần 3 và 4 của TNG chỉ có 4,6 triệu CP và VDC là 1,8 triệu CP. Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng CP của TNG và VDC đã bán số lượng CP nhiều hơn số lượng CP 2 Cty này có tại VDL theo ĐKKD.
Theo Ban Kiểm soát VDL, có lẽ do sự cố tình "hiểu nhầm" trên của TNG nên giữa các bên vẫn đang có sự tranh cãi về việc chuyển nhượng cổ phần có hợp pháp hay không. Vụ việc đã được ông Nguyễn Sơn kiện ra tòa án và tòa án đang thụ lý đơn kiện của ông Sơn. Đây cũng là lý do VDL chưa thể cấp chứng nhận CP tại Cty cho ông này. Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này đến bạn đọc.
Mô hình KĐT sinh thái Golden Hill - một trong những dự án TNG đang đầu tư xây dựng.
(Theo Lao động)