Giờ đây, những người hoạch định chính sách đã nhận thức được tầm quan trọng của ngành bất động sản (BĐS) trong vai trò phục hồi sự tăng trưởng của cả nền kinh tế
“Trước đây, khi nhắc đến bất động sản Chính phủ “ghét” lắm, giờ đây, những người hoạch định chính sách đã nhận thức được tầm quan trọng của ngành bất động sản (BĐS) trong vai trò phục hồi sự tăng trưởng của cả nền kinh tế”.
Câu nói nửa đùa nửa thật của TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Hội thảo “Vực dậy nguồn lực bất động sản” do Báo Lao động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 31/5 tại TP.HCM đã làm nức lòng hàng trăm doanh nghiệp BĐS có mặt tại đây.
Cái giá phải trả
Nói đến khó khăn của thị trường BĐS trong thời điểm hiện nay thì từ một anh nhân viên, một giám đốc doanh nghiệp đến một người làm chính sách đều có thể nói rào rào, rành mạch không thiếu một câu, một chữ. Tuy nhiên, điều mà các ông chủ doanh nghiệp BĐS thường hay né tránh hoặc không muốn nói đó là cái giá mà họ buộc phải trả bởi cung cách làm ăn chụp giựt, manh mún, thiếu tầm nhìn, thiếu kiểm soát nguồn lực, không tiên liệu được tương lai.
Những điều này đã được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chỉ ra một cách thẳng thắn ngay tại Hội thảo. Trong thời điểm thị trường BĐS Việt Nam được xem là cực thịnh (trước 2007), không thiếu những doanh nghiệp làm ăn kiểu chơi bạc, có bao nhiêu “hốt” bấy nhiêu, vì nếu không “hốt” người khác sẽ “hốt” trước.
“Không tiên liệu được tương lai, thiếu tầm nhìn, không kiểm soát được nguồn lực, bởi thói quen ăn sổi ở thì, đến khi Chính phủ ra Nghị quyết thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp BĐS chết là đương nhiên”, một nhà phân tích nhận định.
Cái giá mà họ (doanh nghiệp BĐS) phải trả là quá rõ ràng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) cho biết, trong năm 2011, có tới hơn 90% doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM phá sản. Thông tin mới nhất cho thấy, hiện nay trên địa bàn TP.HCM còn khoảng trên 20.000 căn hộ chung cư “tồn kho”. Tắc đầu ra đã làm cho các doanh nghiệp may mắn đến giờ này còn cầm cự được cũng đang ở tình trạng “thoi thóp”.
Nhìn vào lượng căn hộ “tồn kho”- mặc dù giá đã giảm thấp nhất từ trước tới nay nhưng chẳng nhà đầu tư nào thèm để ý - các chuyên gia cho rằng, bài học đắt giá nhất đối với các doanh nghiệp BĐS không phải là bán không được mà chính là tự mình để mất lòng tin đối với khách hàng. “Bài học này quý lắm, không phải muốn là được”, một chuyên gia nghiên cứu thị trường khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, không có khách hàng mua không phải người dân không có tiền mà chính là họ không đủ niềm tin để trao tiền cho nhà đầu tư dự án. “Tiền trong dân còn lớn lắm, gấp mấy lần tiền Chính phủ huy động trong nhiều năm đấy chứ. Để số tiền này đổ vào bất động sản, các doanh nghiệp phải chứng minh được thực lực của mình”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Gần năm năm thị trường BĐS đình đốn là khoảng thời gian quá dài so với quy mô nhỏ lẻ của các doanh nghiệp trong ngành. Lúc này, bài toán sàng lọc thị trường, chấn chỉnh lại cung cách làm ăn, phá sản hay sáp nhập, xây dựng mối liên kết “bốn nhà” (nhà đầu tư, nhà băng, nhà cung cấp vật liệu, nhà tiêu dùng) và đặc biệt là quản trị nguồn lực, kiểm soát vốn, tiên đoán thị trường, lập kế hoạch dài hạn, minh bạch hóa thông tin… được xem là liều thuốc giúp doanh nghiệp hồi sinh và phát triển.
Sẽ khai thông 500.000 tỷ đồng
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường BĐS được Chính phủ quan tâm như lúc này. “Trước đây, khi nhắc đến bất động sản Chính phủ “ghét” lắm, giờ đây, những người hoạch định chính sách đã nhận thức được tầm quan trọng của ngành bất động sản trong vai trò phục hồi sự tăng trưởng của cả nền kinh tế”, TS.Lê Xuân Nghĩa, với tư cách là cố vấn chính sách tiền tệ cho Chính phủ chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đưa BĐS vào diện ưu đãi.
Ngành BĐS liên quan trực tiếp đến các ngành như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng (gạch, kính, sơn…), trang thiết bị nội thất… Điều này có nghĩa, nếu BĐS “chết” kéo nhiều ngành khác “chết” theo. Trong khi đó, những ngành nghề liên quan với BĐS lại là những ngành có tỷ trọng xuất nhập khẩu thuộc nhóm cao nhất của nền kinh tế.
Những nhà hoạch định chính sách, trong đó có Chính phủ đã kịp thời có những hành động cụ thể giúp khôi phục lại thị trường BĐS; trong đó, Nghị quyết 13 do Chính phủ ban hành mới đây cho phép doanh nghiệp BĐS được gia hạn tiền sử dụng đất; Nghị quyết Trung ương 5 ban hành ngày 25/5/2012 lần đầu tiên đề cập tầm quan trọng của việc phát triển thị trường nhà ở… Đây được xem là dấu mốc quan trọng cho thấy sự khởi sắc của ngành BĐS trong một tương lai không xa.
Điều mà các doanh nghiệp BĐS mong muốn lúc này là khai thông dòng vốn, một mặt giúp giải tỏa được lượng hàng tồn, mặt khác giúp doanh nghiệp có vốn để tái đầu tư. Giải đáp mong mỏi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, về nguồn vốn ngân sách, Chính phủ đã dành 120.000 tỷ đồng cho đầu tư công, 38.000 tỷ đồng phát hành Trái phiếu Chính phủ, 17.000 tỷ đồng từ các nguồn đầu tư khác. Như vậy, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 200.000 tỷ đồng được khai thông.
TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 12%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng đạt âm. Do đó, 6 tháng còn lại tăng trưởng tín dụng phải đẩy lên con số 2%/tháng (tương đương 300.000 tỷ đồng). Nếu cộng với 200.000 tỷ đồng đã có thì từ nay đến cuối năm, 500.000 tỷ đồng sẽ được lưu thông ra thị trường.
Vốn đã có, điều còn lại mà các doanh nghiệp BĐS phải làm là tìm lại thị trường, mở cửa đầu ra bằng cách khôi phục lại niềm tin ở khách hàng.
(Theo Tổ Quốc)