Tại hầu hết các dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP HCM, trong lúc chờ triển khai, dự án đã được chủ đầu tư “tăng gia sản xuất”, bằng cách cho thuê bãi giữ xe, hòng “kiếm được đồng nào hay đồng ấy”.
Lấy ngắn nuôi dài
Theo chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR), trong năm 2011 là 360 tỷ đồng. Nhưng quá khó khăn, PDR đã phải điều chỉnh lợi nhuận xuống chỉ còn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đến cuối năm chỉ đạt hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó phần lớn từ thu phí giữ xe tại tòa nhà Eve Rich 1. Báo cáo tài chính quý 4/2011 của PDR, đến cuối tháng 12/2011, tổng số hàng tồn kho (BĐS) của công ty này lên hơn 4.000 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 3.200 tỷ đồng.
Hiện PDR đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh về nông nghiệp, trồng rừng, cao su… và xác định sẽ là nguồn thu ổn định để nuôi ngành kinh doanh BĐS đang gặp khó khăn. Ngoài ra, PDR cũng đã chuyển nhượng 95,24% vốn điều lệ tại công ty con là Công ty CP Khu du lịch khách sạn Phát Đạt - Quảng Ngãi cho 2 cổ đông khác. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT PDR, cho hay, phải phát triển những ngành khác để lấy ngắn nuôi dài.
Cũng gặp khó khăn trong kinh doanh BĐS, Công ty đầu tư BĐS Việt Nam (Vina Land) vừa công bố lấy 6.000 m2 trên tổng số 12.400 m2 của dự án trung tâm thương mại - căn hộ Saigon South Center (Q.7, TP HCM) làm chợ tạm trong 1 năm. Theo lãnh đạo Vina Land, trong bối cảnh này, có thể sử dụng tài sản để giải quyết khó khăn đã là quá tốt.
Một “đại gia” khác là công ty T.L, trong quá trình chờ triển khai dự án T.L Plaza trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (huyện Bình Chánh), cũng đã tận dụng cho thuê mặt bằng làm hội chợ dịp Tết Dương lịch vừa qua. Còn dự án Montana (Tân Phú, TP HCM) do công ty Ngân Thanh làm chủ đầu tư, dù đã làm xong phần cọc nhồi, bán cho khách hàng từ cuối năm 2009, song do khó khăn về vốn nên phải dừng lại. Khu đất xây dựng dự án đang được chủ đầu tư cho thuê làm quán cà phê, rửa xe và làm bãi giữ xe. Trong khi hàng chục khách hàng đang kiện ra tòa yêu cầu Ngân Thanh trả lại tiền đã góp vốn vào dự án.
Đồng loạt tháo chạy
Thời điểm 2006 - 2007, định hướng phát triển lâu dài của Hoa Sen là mở rộng đầu tư vào lĩnh vực BĐS, với kỳ vọng sẽ là một trong những “đại gia” trong lĩnh vực này. Mở đầu cho kế hoạch “bành trướng” sang lĩnh vực BĐS của Hoa Sen là triển khai dự án Phố Đông Hoa Sen (Q.9), dự án khu căn hộ Hoa Sen Phước Long B, Hoa Sen Riverside (Q.9) và nhiều dự án khác trên cả nước. Tính đến hết năm 2011, tổng vốn Hoa Sen đã giải ngân cho lĩnh vực BĐS là trên 186 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong đại hội bất thường mới đây, Hoa Sen đã tuyên bố “thoái lui” khỏi BĐS để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là ngành thép. Theo đó, Hoa Sen sẽ chuyển nhượng để rút vốn ra khỏi 3 dự án: Hoa Sen Phước Long B, Hoa Sen Riverside (Q.9), dự án văn phòng Hoa Sen Group (Q.2) và chuyển nhượng 45% phần vốn góp tại dự án cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen, do lĩnh vực BĐS đã không được khả quan, nên quyết định rút lui. Song giới kinh doanh BĐS cho rằng, việc bán và chuyển nhượng vốn ở một số dự án của Hoa Sen không chỉ là tái cấu trúc lại hoạt động, mà do “đói” vốn.
Cũng vậy, trong kế hoạch kinh doanh năm 2012 của công ty CP Cáp Sacom, HĐQT đã lên kế hoạch bán khu đất 475/1 Điện Biên Phủ, dù biết trước việc bán dự án trong lúc thị trường lao dốc là bất lợi. Còn Tập đoàn Dầu khí cũng thoái vốn khỏi BĐS bằng việc xin rút vốn đầu tư khỏi dự án PVN Tower (Hà Nội).
Ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh, cho hay, hiện mỗi ngày ông nhận 4 - 5 lời mời mua lại dự án, với mức giá hấp dẫn. “Nếu trước đây đi thương lượng mua dự án rất khó khăn, phải thanh toán “một cục” thì nay quá dễ dàng, với những điều kiện có lợi. Năm nay Đất Xanh đã mua được 4 dự án với mức giá hấp dẫn, được thanh toán theo tiến độ dự án”, ông Thìn cho hay.
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Chí Hiếu, cũng xác nhận, số lượng doanh nghiệp đang rao bán dự án rất nhiều. Song điều này sẽ giúp thị trường “thanh lọc” những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thiếu chuyên nghiệp và không đủ tiềm năng.
(Theo Đất Việt)