Xem thêm các bài cùng chủ đề trên Dothi.net
Theo công văn vừa được ban hành ngày 5/10 của UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng phương án tổ chức phân làn hợp lý cho các loại phương tiện trên tất cả tuyến phố, trình UBND thành phố trước ngày 15/10. Trong đó trọng tâm là "Rà soát hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ đường... để điều chỉnh, bổ sung hợp lý nhằm khai thác tối đa, an toàn hạ tầng giao thông vận tải hiện có. Tập trung duy tu, duy trì đảm bảo hệ thống đường giao thông, sửa chữa cầu đảm bảo an toàn”
Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải phải kiểm tra, rà soát để đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh điểm đỗ ôtô, xe máy đã được cấp phép nhưng gây cản trở giao thông; nghiên cứu, đề xuất nâng cao hơn mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện cơ giới, tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép. Sở Giao thông cần khảo sát, nghiên cứu ngay việc xây dựng cầu lắp ghép cho phương tiện cơ giới đường bộ có trọng tải nhẹ từ 3 tấn trở xuống tại nút giao thông đồng mức có mật độ lớn, thường xuyên gây ra ùn tắc tại nội đô, trên các trục hướng tâm. Nếu việc xây dựng khả thi và an toàn thì đề xuất UBND thành phố cho phép xây dựng 1-2 vị trí thí điểm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Tổng công ty Vận tải Hà Nội rà soát hệ thống xe buýt hiện có, điều chỉnh, bổ sung hợp lý phương tiện phù hợp tối đa với hạ tầng giao thông hiện có và đảm bảo an toàn trong khai thác.
Đứng trước quyết định chuẩn bị phân làn xe trên tất cả các tuyến phố của Hà Nội, nhiều người không khỏi băn khoăn về tính khả thi của đề án này. Trở lại quá khứ, Hà Nội đã có tổng cộng 4 lần thí điểm phân làn xe nhưng kết quả đều không khả thi, đều có tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Vừa qua, từ 20/9/2011, Hà Nội cũng có đợt thí điểm phân làn trên phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, Giải Phóng, Kim Mã. Tuy nhiên, sau nửa tháng thực hiện, giao thông trên các tuyến phố này vẫn không được cải thiện đáng kể, ôtô vẫn dàn hàng ngang, giành đường của xe máy và ngược lại. Không chỉ vậy, rất nhiều vụ va chạm, đâm vào dải phân cách phân làn đường đã diễn ra liên tục.
Tại hầu hết các ngã ba, ngã tư, điểm giao cắt đều có biển báo hướng dẫn làn cho xe máy, ô tô và có lực lượng thanh tra GTVT hướng dẫn. Song, chỉ cần qua đi đoạn xếp dải phân cách cứng ở giữa, các loại phương tiện lại hỗn loạn như cũ. Khó khăn nữa, các tuyến phố này có nhiều điểm giao cắt, việc sang đường của các phương tiện rất khó khăn.
Theo quan sát của Dothi.net, nhiều đoạn phân cách bố trí cứng nhắc, không đáp ứng linh hoạt thực tế. Ví dụ chỉ cần một vài xe máy trên tuyến Phố Huế - Hàng Bài cùng muốn rẽ sang nhánh Nguyễn Du, Hàm Long… là gặp không ít khó khăn. Bởi, muốn rẽ sang trái, các phương tiện này phải di chuyển sang làn đường của xe ô tô, dễ gây ùn tắc, chồng chéo. Khi lưu thông từ Phố Huế - Hàng Bài đến ngã tư Lý Thường Kiệt muốn rẽ sang trái theo quy định, xe máy đi làn trong, thông thường phải di chuyển từ từ để rẽ. Nhưng nay, nếu di chuyển như vậy thì lại vi phạm luật, người tham gia giao thông ở nút này những ngày qua liên tục phạm luật. Hơn nữa, mỗi lần rẽ như vậy, ô tô tràn lên, gây xáo trộn, rất bất cập. Hay, ở tuyến đường Giải Phóng cần ưu tiên ô tô vì ô tô nhiều hơn xe máy, còn tuyến Phố Huế-Hàng Bài, Bà Triệu lại cần ưu tiên xe máy hơn vì lí do tương tự, không nên áp dụng máy móc một quy định phân làn.
Từ năm 2005 đến nay, Hà Nội đã 4 lần tiến hành thí điểm phân làn trên nhiều tuyến phố như Thái Hà-Chùa Bộc, Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt, Kim Mã-Cầu Giấy, sau đó, là Bắc Thăng Long-Nội Bài-Phạm Văn Đồng-Phạm Hùng; Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai-Đội Cấn; Kim Mã (đoạn Voi Phục-bến xe Kim Mã); Giải Phóng-Lê Duẩn (đoạn Pháp Vân-Cửa Nam); phố Huế-Hàng Bài, xung quanh Bờ Hồ-Bà Triệu; Trần Phú (Hà Đông)-Nguyễn Trãi-Tây Sơn (đoạn từ cầu Hà Đông đến ngã tư Chùa Bộc-Thái Hà)… Thực tế cho thấy, việc phân làn đường chỉ duy trì được trên các tuyến phố trong một thời gian ngắn và sau đó lại rơi vào tình trạng lộn xộn. Thậm chí, ở nhiều tuyến phố được phân làn, tình trạng ùn tắc giao thông không những không giảm mà còn trở nên phức tạp hơn ở các nút thắt cổ chai.
Như vậy, việc có thực hiện hiệu quả được phương án phân làn trên địa bàn Hà Nội hay không rất cần một giải pháp tổng thể, thay vì chỉ được giải quyết bằng các giải pháp tình thế, đồng thời cần có những hình thức áp dụng linh hoạt, sát thực tiễn tới tận từng điểm nút giao thông.
Mạnh Hùng